Gỡ khó đưa ngành chè phát triển
Nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên - TTXVN
Nhờ có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đến nay tổng diện tích chè của tỉnh Phú Thọ đạt trên 16 ngàn ha, với sản lượng chè búp tươi đạt gần 155 nghìn tấn, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vươn lên đứng thứ 4 cả nước về diện tích và đứng thứ 3 về sản lượng chè. Cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và trở thành cây trồng chủ lực giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của tỉnh.
Nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen, chè ô long, chè thảo dược, chè Hà Trang… của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè của Phú Thọ đã xâm nhập một số thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Đạt được kết quả đó, thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ, tích cực chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa năng xuất chất lượng chè tăng cao. Nhiều giống chè mới như LPD1, LPD2, PH11, Phúc Vân tiên, Bát tiên, Kim tuyên đã được nhận rộng. Từ đó đã giúp tăng tỷ lệ chè giống mới từ trên 30% năm 2011 lên trên 70% hiện nay. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã áp dụng kỹ thuật thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến, nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, xây dựng được hàng trăm cơ sở, câu lạc bộ sản xuất chè an toàn.
Nếu như năm 2011 năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 83,89 tạ, đến nay tăng lên 10,1 tấn/ha; trong đó, nhiều diện tích do các công ty chè quản lý được đầu tư thâm canh cho năng suất đạt tới 15-18 tấn/ha; đưa sản lượng chè búp sản lượng chè búp tươi đạt 154,7 nghìn tấn, tăng 19% so với mục tiêu (130 - 135 nghìn tấn). Tuy nhiên hiện nay, ngành chè của tỉnh Phú Thọ vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, tồn tại như năng suất vùng chè của người dân còn thấp, việc lạm dụng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật còn khá phổ biến, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chưa xây dựng thương hiệu, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm; việc mở rộng diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn còn chậm đặc biệt đối với diện tích do hộ nông dân quản lý… Đây là những tồn tại và khó khăn mà ngành chè của tỉnh Phú Thọ đang gặp phải.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến chè còn thường xuyên gặp khó khăn vấn đề về nguồn nguyên liệu đầu vào, vì phần lớn các cơ sở chế biến hiện nay không có vùng nguyên liệu trồng theo quy hoạch chè an toàn hoặc có nhưng không đủ sản xuất nên nguyên liệu thiếu, không đáp ứng được công suất dẫn tới tình trạng thu mua nguyên liệu ở ngoài vùng quy hoạch và ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… do đó nguyên liệu không đạt yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh một số nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất thì vẫn còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ, thiết bị lạc hậu tạo ra sản phẩm chè có chất lượng thấp chưa đáp ứng được vấn đề về an toàn thực phẩm nên chất lượng và giá bán sản phẩm chè thành phẩm chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp chưa tương xứng với tiềm năng là ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh. Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để ngành chè phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, Sở đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ. Hiện nay, ngành đang đẩy mạnh sắp xếp tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết, trong đó liên kết được doanh nghiệp và nông dân, đồng thời tiến hành phân vùng nguyên liệu một cách cụ thể, sản xuất theo hợp đồng và có những chế tài, quy định rõ ràng để xử lý khi xảy ra vi phạm.
Tập trung tuyên truyền, vận động để người nông dân, doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất chè sạch, chè an toàn, thay đổi cách làm chè bằng kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngành nông nghiệp cũng sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp về sản xuất, chế biến chè an toàn, chè sạch. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chè, đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung đẩy mạnh phát triển chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Dự kiến từ nay đến năm 2020, tỉnh huy động 118 tỷ đồng đầu tư phát triển chè, trong đó ngân sách tỉnh dành trên 10 tỷ đồng, kinh phí từ các chương trình, dự án trên 15 triệu đồng, còn lại là kinh phí đầu tư của người sản xuất 90 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm thị trường giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu chè theo hướng bền vững.
Vởi những giải pháp trên, tỉnh giữ ổn định vùng chè 16,5 nghìn ha, đưa năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích đạt 110 tạ/ha, sản lượng đạt 176 nghìn tấn; mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn phấn đấu đạt trên 6,5 nghìn ha; trồng thay thế 1.500 ha bằng các giống chè mới, nâng tỷ lệ chè giống mới đạt trên 80%, giá trị thu nhập bình quân đạt 70 - 80 triệu đồng/ha.
Đồng thời, tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, phấn đấu đến năm 2020 có 100% cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ cho nhà máy hoạt động theo quy định hiện hành; có trên 45% cơ sở chế biến chè công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HCCP; Đảm bảo cơ cấu sản phẩm chè đen đạt 60%; chè xanh và chè khác (chè ô long, chè ướp hương, chè đặc sản…) đạt 40%; hỗ trợ 1 - 2 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.