|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giúp người kinh doanh nhỏ bước vào thế giới trực tuyến

22:30 | 30/09/2017
Chia sẻ
Shopify, công ty công nghệ của Canada được các chuyên gia kinh tế cho rằng đánh giá là có tốc độ tăng trưởng “thần kỳ”, đã giúp hàng trăm ngàn cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ bước vào thế giới thương mại điện tử – một lĩnh vực tưởng chừng như rất khó gia nhập này.
giup nguoi kinh doanh nho buoc vao the gioi truc tuyen
Những nhà sáng lập Shopify tin rằng một người không biết gì về lập trình vẫn có thể sở hữu một trang web bán hàng chuyên nghiệp, chỉ cần họ có niềm đam mê về thương mại điện tử.

Trong khi các bạn học được gia đình hỗ trợ một phần nào học phí trong những năm đầu đại học thì Jack McCarthy phải tự xoay sở kiếm tiền cho việc học. Chàng thanh niên 22 tuổi dành thời gian ngoài những buổi học cho việc lùng sục các cửa hàng bán đồ cổ ở Midwestern (Mỹ) để tìm tất cả những chiếc áo len có họa tiết ngày Giáng sinh. McCarthy mua tất cả chúng với giá chỉ vài đô la Mỹ mỗi chiếc, sau đó bán trên mạng với giá hơn 20 đô la. Với hình thức kinh doanh đơn giản như vậy, McCarthy có thể kiếm được khoảng 100.000 đô la mỗi năm. Số tiền kiếm được giúp McCarthy trang trải học phí cho tới khi tốt nghiệp trường Babson College.

Nơi để thử nghiệm ý tưởng kinh doanh

Nghe có vẻ lạ nhưng trên thực tế, Shopify Inc. đã giúp hàng ngàn người tương tự McCarthy thực hiện được ước mơ của mình thông qua một cửa hàng trực tuyến nho nhỏ. Công ty Canada này cung cấp nền tảng trang web, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển cho mô hình kinh doanh trên mạng. Hiện có hơn 500.000 người buôn bán đã có mặt trong hệ sinh thái của Shopify và chỉ trong vòng chưa đầy ba năm sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), giá trị của công ty đã tăng lên tới 10 tỉ đô la, gần bằng giá trị của Twitter Inc. hay Square Inc.

Lý luận kinh doanh của Shopify rất đơn giản: mọi người trên khắp thế giới đều có khả năng để kinh doanh trực tuyến thành công, nhưng họ đang thiếu các công cụ hỗ trợ. Shopify cho phép họ có cơ hội thử ý tưởng kinh doanh của mình bằng cách mở một cửa hàng trực tuyến với chi phí chỉ 29 đô la một tháng với vài tuần đầu tiên hoàn toàn miễn phí. Nhiều người kinh doanh thất bại, nhưng cũng có nhiều thương nhân kinh doanh có hiệu quả. Số trường hợp thành công càng nhiều, Shopify càng kiếm được nhiều tiền thông qua các khoản phí giao dịch và cước thuê bao cao hơn.

“Rào cản gia nhập thị trường ở mức tối thiểu là một trong những lý do giúp Shopify phát triển một cách mạnh mẽ”, McCarthy chia sẻ.

Shopify được giới phân tích tài chính đánh giá là công ty công nghệ có hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay, được niêm yết ở Mỹ với mức tăng trưởng giá trị công ty lên tới 1 tỉ đô la riêng trong năm 2017 này. Cổ phiếu của Shopify đã mang lại giá trị hơn 500% cho các nhà đầu tư trong 27 tháng qua kể từ khi công ty IPO. Trong khi đó, cổ phiếu của Facebook và Netflix mang lại 100% giá trị cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu trong cùng thời kỳ kể từ khi IPO.

Mức tăng trưởng của công ty đã vượt mọi mức dự báo của các nhà phân tích, tuy nhiên, sự thành công “ngoài sức tưởng tượng” này cũng khiến Shopify trở thành mục tiêu thâu tóm của các “ông lớn” như Google hay Amazon, và thậm chí có thể khiến các công ty này theo đuổi mô hình kinh doanh của Shopify.

Tobee Lutke, một nhà phát triển phần mềm của Đức, đã chuyển đến Ottawa sinh sống với người bạn gái người Canada. Tại đây, ông đã thành lập Shopify vào năm 2004. Ban đầu, Lutke mở một trang web bán ván trượt tuyết trực tuyến và nhận ra rằng các công cụ dễ sử dụng không có sẵn. Ông đã gọi vốn được từ Bessemer Venture Partners và Felicis Ventures, sau đó mua lại một studio thiết kế để trang trí trang web cho người tiêu dùng và liên tục bổ sung thêm các tính năng như ứng dụng bán hàng và hệ thống thanh toán. Từ khi Shopify huy động được 150,5 triệu đô la trong đợt IPO, số người kinh doanh tham gia vào công ty đã tăng từ 165.000 lên hơn 500.000, vượt xa đối thủ cạnh tranh như Bigcommerce có trụ sở tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ.

Nhiều năm qua, một hệ sinh thái toàn diện đã được xây dựng để hỗ trợ sự phát triển của Shopify, giống như những gì đã hình thành xung quanh Amazon. Các nhà phát triển phần mềm trên khắp thế giới đã xây dựng hàng trăm ứng dụng mà doanh nghiệp có thể bổ sung vào cửa hàng của họ, từ bộ chuyển đổi kích cỡ giày đến các công cụ quản lý chuỗi cung ứng.

giup nguoi kinh doanh nho buoc vao the gioi truc tuyen

Dễ vào, dễ ra

Sự dễ dàng gia nhập thị trường đã tạo ra cơ hội lớn cho những thương nhân muốn theo đuổi mô hình kinh doanh kiểu mới. Việc kinh doanh áo len của McCarthy cuối cùng đã bị phá vỡ khi hàng trăm đối thủ cạnh tranh đã nhảy vào thị trường và những người khổng lồ như Walmart và Target ngày càng phổ biến trang web thương mại điện tử của họ tới người tiêu dùng. McCarthy bắt đầu chuyển sang bán những chiếc áo thun ba lỗ in hình tổng thống Mỹ và những chú chim đại bàng.

Nhận thấy rằng chỉ một mình mình đảm nhiệm việc in hình lên áo thun là không khả thi, McCarthy đã chuyển sang hợp tác với Printful, một công ty có văn phòng tại Latvia và Mỹ. Theo người sáng lập Davis Siksnans, Printful đã in hơn 2 triệu chiếc áo thun kể từ khi “gia nhập” Shopify vào năm 2013. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhà sáng lập Siksnans là chiếc áo thun “Nasty Woman” tràn ngập Internet sau khi Tổng thống Donald Trump sử dụng từ này để miêu tả bà Hillary Clinton. Chỉ bốn giờ đồng hồ sau khi cụm từ “Nasty Woman” được thốt ra, thiết kế mới đã được bán trên Shopify”, Siksnans kể.

Bên cạnh những thương nhân làm ăn bài bản, chỉn chu thì cũng có những thương nhân làm ăn gian dối, chuyên bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Họ tận dụng cơ hội tại Shopify để mở các cửa hàng trực tuyến. Một số sử dụng chiến thuật tăng giá nếu khách hàng không quyết định mua hàng ngay. Một số thương nhân được biết đến như những nhà buôn trung gian (drop-shipper), họ nhận đơn hàng sau đó mua của những nhà kinh doanh khác và chuyển hàng thẳng tới tay khách. Trong một số trường hợp, khách hàng phải đợi nhiều tuần để nhận được hàng.

Trên thực tế, những hoạt động nói trên lại ít ảnh hưởng tới danh tiếng của Shopify như mọi người vẫn nghĩ bởi cách thức vận hành của Shopify không giống như Amazon hay eBay, công ty Canada này không phải là một trung tâm thương mại nơi mà những người bán lẻ mang hàng tới trưng bày. Dù vậy, Shopify vẫn có quyền dừng các hoạt động kinh doanh không lành mạnh thông qua phần mềm của mình. Tuy nhiên, Shopify không “trừng phạt” thương nhân theo cách của Amazon.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, Shopify không tiết lộ có bao nhiêu thương nhân đã phải rời khỏi cuộc chơi trên hệ sinh thái của mình. Số lượng thành viên mới hằng tuần luôn là hàng ngàn trong khi chỉ khoảng hàng trăm rời khỏi Shopify. Nhiều thương nhân theo đuổi mô hình kinh doanh chớp nhoáng, kiếm tiền nhanh chóng như bán kính mắt quan sát nhật thực hay con quay fidget spinners. Điều này cũng có nghĩa là những mô hình kinh doanh tạo nên sự thành công của Shopify là không bền vững.

Nhưng nhà cung cấp nền tảng này lập luận rằng, những cửa hàng không thành công cũng là một cơ hội cho cái mới phát triển. Nhiều thành viên mới của Shopify đã kiếm tiền nhanh chóng bằng cách biết nắm bắt xu thế thị trường. Giám đốc điều hành Harley Finkelstein nói: “Cho dù cách bán hàng của thương nhân ở đây chỉ là đơn vị trung gian bán các con quay fidget spinners, thì điều đó cũng sẽ giúp họ học hỏi về văn hóa doanh nghiệp hay tinh thần kinh doanh. Do vậy, nên nghĩ theo hướng tích cực rằng, một cơ hội kinh doanh kết thúc cũng đồng nghĩa với việc một mô hình kinh doanh mới được cho ra đời”.

Theo các nhà phân tích, khi lớn mạnh tới một ngưỡng nào đó, Shopify sẽ khó có thể duy trì mức tăng trưởng hằng năm hơn 70% như những gì công ty đã làm được trong năm năm qua. Các chuyên gia bắt đầu khuyến cáo các nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu thay vì mua vào nhiều hơn vì hiện nay cổ phiếu của Shopify đã là một trong những cổ phiếu của các công ty phần mềm đắt nhất trên thị trường rồi. Nếu mua vào, các nhà đầu tư sẽ thất vọng nếu như Shopify không thực hiện được lợi nhuận như sự kỳ vọng vào cuối năm nay. Nhà sáng lập Lutke tự thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cuối cùng cũng sẽ chậm lại.

“Mọi chuyện diễn ra rất tốt, các thương nhân đang có doanh thu hàng tỉ đô la mỗi tháng thông qua nền tảng ứng dụng này. Đó là một điều ngoài sức tưởng tượng”, Lutke cho biết trong một cuộc trao đổi với báo giới vào đầu tháng 9 này. “Nhưng tôi không biết Shopify có thể tiếp tục như vậy được bao lâu nữa”, ông nói thêm.

Dĩ nhiên, nỗi e ngại nói trên không làm bận tâm những người đang kiếm sống trên hệ sinh thái của Shopify.

Thùy Dung

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.