Giữa 'tâm bão' thổi giá máy xét nghiệm COVID-19 vẫn đề xuất mở rộng chỉ định thầu
Cụ thể, góp ý với Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… bởi dịch Covid-19, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa đề nghị nâng hạn mức các gói chỉ định thầu.
Cụ thể, tỉnh này dẫn quy định tại khoản 1 điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (“gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 22 của luật Đấu thầu bao gồm: không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỉ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công”) và đề nghị xem xét bổ sung để Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền tăng hạn mức được áp dụng chỉ định thầu lên không quá 3 tỉ đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 5 tỉ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công.
Lý do, theo UBND tỉnh Tuyên Quang, là nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, việc xác định hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 đã được tổng hợp trên cơ sở thống nhất của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương; bảo đảm việc đấu thầu công khai, minh bạch.
Đối với các gói thầu tỉnh Tuyên Quang kiến nghị cho phép chỉ định thầu, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện đã thực hiện đấu thầu qua mạng, trừ các trường hợp đặc thù, đảm bảo nhanh chóng, công khai, minh bạch và chất lượng nhà thầu, do đó không cần quy định cho phép áp dụng phương thức chỉ định đầu đối với gói thầu này.
Trước đó, liên quan đến cơ chế chỉ định thầu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm thanh nhũng kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án tại Trung tâm Jiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, cùng các thuộc cấp đã móc nối, thông đồng thổi giá hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống Covid-19.
Khi nhập về Việt Nam, giá máy chỉ khoảng 2,3 tỉ đồng, tuy nhiên, qua chỉ định thầu, nhà thầu đã mua bán lòng vòng, khi đến CDC Hà Nội đã lên đến 7 tỉ đồng.
Sau vụ việc này, Thanh tra Chính phủ cũng như lực lượng công an tại nhiều địa phương đã vào cuộc để rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư phòng chống, dịch Covid-19. Đây đều là những gói thầu được chỉ định, không qua đấu thầu rộng rãi cũng như không đấu thầu qua mạng.