Giữa lúc Shopee, Lazada tổ chức lễ hội mua sắm hàng tháng, sự kiện Prime Day của Amazon ngày càng 'nhạt nhẽo'
Lễ hội mua sắm Prime Day của Amazon dường như đang mất dần sức hút của mình, theo WSJ.
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng doanh số của lễ hội mua sắm này đã chậm lại và khách hàng cũng không còn mua những đơn hàng lớn như trước đây. Amazon cũng không còn đầu tư mạnh vào sự kiện này như trong quá khứ. Bên cạnh đó, nhiều khuyến mại cũng phần lớn tập trung vào các sản phẩm của chính Amazon. Dữ liệu cho thấy thêm rằng ngoài trừ đồ điện tử, chiết khấu cho nhiều ngành hàng khác không khác gì ngày thường trên Amazon.
Năm nay, Amazon tiếp tục lên kế hoạch tổ chức Prime Day vào ngày 12 và 13/7, tiếp nối xu hướng tổ chức lễ hội mua sắm kéo dài hơn 1 ngày để tối đa lợi nhuận. Doanh số bán hàng của Amazon được dự phóng sẽ đạt gần 7,76 tỷ USD ở Mỹ từ Prime Day năm nay, tương đương mức tăng 17% so với năm ngoái, theo Insider Intelligence.
Mặc dù Prime Day vẫn là yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của Amazon trong quý 3, tăng trưởng doanh số bán hàng vào sự kiện này trong vài năm trở lại đây đã chậm lại. Trước đó, doanh thu vào sự kiện này của Amazon có thể tăng tới 65%. Quy mô đơn hàng cũng giảm sút. Năm ngoái, giá tiền trung bình của đơn hàng đạt 54,15 USD, so với con số 58,77 USD của 2 năm trước đó, theo Numberator.
Trong khi đó, khách hàng chi tiêu trung bình 30,83 USD cho một món đồ trong năm ngoái tại Prime Day, so với 33,88 USD vào năm 2019. Trong 2 năm qua, Amazon tổ chức sự kiện này vào những ngày không cố định trong năm. Amazon cũng không báo cáo số liệu kinh doanh trong ngày Prime Day.
Một người phát ngôn của Amazon nói rằng Amazon tiếp tục ghi nhận “thành công tuyệt vời với Prime Day”.
Người này nói thêm rằng năm nay, Amazon sẽ mang đến mức giá thấp nhất cho các mặt hàng đến từ nhiều thương hiệu trong ngày Prime Day này. Bà khẳng định thêm các nhà bán hàng bên thứ 3 đã có doanh số ngày Prime Day lớn nhất vào năm ngoái và Amazon đang tiếp tục đầu tư mạnh vào sự kiện này bằng cảnh mở rộng ra nhiều quốc gia hơn và bổ sung các trải nghiệm.
Amazon lần đầu tiên triển khai sự kiện mua sắm Prime Day vào năm 2015 với mục đích thúc đẩy doanh số trong những tháng mùa hè thấp điểm và thúc đẩy số lượng người dùng đăng ký thành viên Prime vì chỉ họ mới có thể tận dụng được các ưu đãi.
Vào những sự kiện đầu tiên, lãnh đại Amazon thúc giục các nhân viên làm mọi thứ để “biến ngày này thành ngày lớn nhất từng có”. Các lãnh đạo Amazon được truyền cảm hứng từ lễn hội mua sắm Singles’ Day do Alibaba khởi xướng ở Trung Quốc từ năm 2019.
Amazon từng khác biệt hoá lễ hội mua sắm của mình bằng cách sử dụng các hình ảnh đồ hoạ được thiết kế lấy cảm hứng từ giấy. Sau một vài năm, Amazon cũng bắt đầu tổ chức các sự kiện concert để quảng bá Prime Day với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng Ariana Grande, Taylor Swift hay Lady Gaga.
Dù vậy, đến năm ngoái, Amazon đổi chiến lược với Prime Day. Thay vì các hình ảnh đồ hoạ lấy cảm hứng từ giấy, giao diện Prime Day trên Amazon trông như giao diện khi bình thường và được công ty thiết kế để tối ưu lượng click và doanh số bán hàng, nhân viên Amazon nói với WSJ.
Phần lớn ưu đãi vào ngày Prime Day tập trung vào các sản phẩm của chính Amazon như loa thông tin Alexa hay dòng sản phẩm Fire TV. Chiết khấu nói chung dường như cũng không tốt hơn ngày thường. Chiết khấu cho các sản phẩm không phải đồ điện tử trong ngày Prime Day ở mức khoảng 30%, gần như tương đương các giai đoạn không phải ngày Prime Day trên Amazon, theo CommerceIQ.
Năm nay, Amazon cho biết không lên kế hoạch tổ chức concert hay ra mắt sản phẩm độc quyền vào ngày Prime Day.
“Trong vai trò người dùng, chúng ta đã quá quen với Prime Day đến mức sự mới lạ không còn”, Guru Hariharan, CEO CommerceIQ đồng thời là một cựu lãnh đạo Amazon, nói. Dù vậy, ông vẫn khẳng định Amazon là sự kiện mua sắm online mùa hè lớn nhất nước Mỹ.
Bên cạnh việc tăng trưởng doanh thu trong ngày Prime Day chậm lại, áp lực của khuyến mại trên Amazon lên các hãng bán lẻ khác cũng giảm bớt. Walmart, Target và một số đối thủ của Amazon cũng từng đưa ra các ưu đãi tương tự Amazon để tận dụng lưu lượng mua sắm mà ngày Prime Day tạo ra. Dù vậy, tăng trưởng dường như cũng đã chứng lại với họ. Trong năm 2018 và 2019, các đối thủ của Amazon ghi nhận doanh thu tăng trưởng 72% vào ngày Prime Day. Năm nay, mức tăng được dự đoán là 17,8%, theo Insider Intelligence.
Bên cạnh đó, WSJ nói rằng nhiều nhà bán lẻ lớn cũng đang chật vật với thách thức đến từ hàng tồn kho sau khi người dùng thay đổi thói quen mua sắm trong đại dịch và lạm phát.
Lúc này, Amazon cũng đang phải đối diện với nhiều áp lực khác, trong đó có việc cắt giảm chi phí vận hành sau nhiều năm tăng trưởng.
Lãnh đạo công ty thừa nhận Amazon đã kỳ vọng quá cao vào nhu cầu tương lai sau khi đại dịch tạo ra nhu cầu giao hàng trực tuyến bùng nổ. Amazon hiện đang tìm cách cho thuê lại tối thiểu 10 triệu feet vuông không gian kho hàng đồng thời dừng xây dựng các cơ cở mới. Amazon cũng đóng cửa nhiều cửa hàng vật lý trong năm nay đồng thời hạn chế hoạt động tuyển dụng.