Giữa làn sóng Hiệp định FTA, doanh nghiệp Việt vẫn còn 'loay hoay' với rào cản
Làm sao để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc?
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng ban Pháp chế kiêm Giám đốc Trung tâm WTO, việc tận dụng ưu đãi thuế quan Hiệp định Thương mại tự do Asean – Hongkong (Trung Quốc) ACFTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá thấp.
Số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng Cục Hải quan, tỷ lệ này còn tăng giảm không đồng đều qua các năm. Khi tiến hành dỡ bỏ thuế quan, Việt Nam có thể khó cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc. Bà Trang nhận định, hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá rẻ so với Trung Quốc, tuy nhiên có thể điều chỉnh mức giá tương đối nhưng tập trung vào chất lượng.
TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của VERP. (Ảnh: Nhật Huyền). |
Được biết ngày 21/11 vừa qua, “Hiệp định Thương mại tự do Asean – Hongkong (Trung Quốc)” (ACFTA) đã chính thức được ký kết, đẩy mạnh hợp tác thương mại và kinh tế giữa Asean, Hong Kong và đặc biệt có thể gia tăng cơ hội giao thương cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy dịch vụ và đầu tư phát triển.
Bà Trang cho biết, ACFTA bắt đầu đươc ký kết từ năm 2002 với tên gọi “Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc”, sau đó đi sâu vào vấn đề loại bỏ thuế quan vào tháng 11/2004, lấy tên là “Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN Trung Quốc” (TIG). Qua 4 lần thay đổi, ACFTA đã nâng cấp, ra nghị thư sửa đổi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế.
Trong đó, có ba vấn đề quan trọng được đề cập bao gồm: Thương mại hàng hóa (TIG) tiếp tục đề xuất kế hoạch loại bỏ thuế ưu đãi tiếp theo trong biểu thuế, quy tắc xuất xứ cần thêm nguyên tắc hàng hóa cụ thể (PSR); Thương mại dịch vụ (TIS) và hợp tác đầu tư chú trọng việc cho phép đầu tư dưới hình thức liên doanh, vốn nước ngoài không quá 49%.
Xuất khẩu nông sản còn nhiều rào cản
Đối với Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc (AHKFTA), liên quan đến việc cắt giảm thuế quan của 10 nước ASEAN, Hong Kong, Trung Quốc; các thủ tục hải quan, chứng nhận xuất xứ, sở hữu trí tuệ...
Cụ thể, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 75% dòng thuế theo lộ trình 10 năm, 10% theo lộ trình 14 năm. Trong khi đó, Hong Kong cam kết loại bỏ thuế quan hoàn toàn với 100% dòng thuế ngay khi AHKFTA có hiệu lực.
TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của VERP cho rằng Việt Nam còn gặp rào cản nhất định về việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài giá cả, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam (kho bãi, dịch vụ hỗ trợ hàng hóa xuất qua biên giới) còn khá yếu kém. Hàng hóa lưu kho quá lâu sẽ gây thiệt hại kinh tế cho thương nhân. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách có thể khiến doanh nghiệp không kịp nắm bắt thông tin, khiến việc lưu thông hàng hóa chậm trễ; vấn đề ưu tiên thương mại tiểu ngạch của Việt Nam cũng mang lại rủi ro trong xuất khẩu.
“Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc” chính thức được ký kết vào ngày 12/9/2016. Nội dung nêu rõ phạm vị hoạt động thương mại của doanh nghiệp, thương nhân (không có vốn nước ngoài), cư dân biên giới và được thực hiện theo luật nội địa của mỗi nước.
Làm cách nào để hưởng lợi từ FTA?
Để thực hiện tốt điều này, Th.S Bùi Kim Thùy – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ ràng mã HS (mã số hàng hóa), hàng hóa sản xuất cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O ưu đãi tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất/sở hữu bởi cá nhân/doanh nghiệp, tối ưu hóa lợi ích từ ưu đãi thuế quan FTA, kích thích việc tìm kiếm nguyên phụ liệu và sản xuất tại các nền kinh tế thành viên (FTA).
Trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở nhóm các mặt hàng quan trọng của Trung Quốc đều tương đối cao, việc áp dụng quy tắc xuất xứ chặt chẽ hay linh hoạt đều mang lại một số lợi ích và rủi ro nhất định.
Quy tắc xuất xứ lỏng có thể nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng ở lại với quốc gia xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu làm chặt chẽ, cơ hội được hưởng lợi của các quốc gia không phải đơn vị thành viên sẽ thấp hơn, giá trị gia tăng thành phẩm xuất khẩu sẽ được nâng lên rõ rệt.