|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới tỷ phú công nghệ Mỹ kiếm bộn tiền trong nửa đầu năm 2023

08:02 | 14/07/2023
Chia sẻ
Tính tới ngày 5/7, có tới 9/10 người giàu nhất thế giới là các tỷ phú đến từ Mỹ, trong đó phần lớn là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chỉ trừ huyền thoại đầu tư Warren Buffett.

Thị trường chứng khoán đã có khởi đầu sôi động trong nửa đầu năm 2023. Điều này giúp những tỷ phú hàng đầu thế giới có thể kiếm về rất nhiều tiền, qua đó báo hiệu những tín hiệu khả quan cho nửa cuối năm nay. 

Sau khi thị trường chứng khoán lao dốc trong năm 2022, các tỷ phú Mỹ đã phần nào bù đắp được những khoản họ đã mất vào năm ngoái bằng cách kiếm thêm hàng tỷ USD trong nửa đầu năm nay, khi giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tăng lên.

Trí tuệ nhân tạo – Bệ phóng cho sự tăng trưởng

Theo dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index, chỉ số theo dõi biến động tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới, có tới 9/10 tỷ phú giàu nhất thế giới đến từ Mỹ, tính đến ngày 5/7.

Cái tên duy nhất không đến từ Mỹ xuất hiện trong danh sách này là ông trùm xa xỉ người Pháp Bernard Arnault, người sở hữu đế chế LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Dior,… Ông cũng là người giàu thứ hai thế giới tính tới ngày 5/7, nắm khối lượng tài sản ròng trị giá ước tính 196 tỷ USD.

Mặt khác, tỷ phú Elon Musk là người giàu nhất thế giới tính tới ngày 5/7. Theo Bloomberg Billionaires Index, CEO Tesla và SpaceX sở hữu khối tài sản ròng trị giá ước tính 248 tỷ USD, tăng thêm 111 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Trong số này, khoảng 116 tỷ USD gắn liền với lượng cổ phiếu Tesla mà ông đang nắm giữ.

Giá cổ phiếu công ty xe điện Tesla đã tăng vọt hơn 156% trong năm nay, mặc dù chúng vẫn chưa ngang bằng với mức đỉnh vào năm 2021, thời điểm thị trường bùng nổ. Các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn tới nhà sản xuất ô tô điện trong năm nay khi công ty đưa ra các đợt giảm giá bán xe, qua đó tạo ra “cuộc chiến giá cả”, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc.

Mới đây, tỷ phú Elon Musk cũng đã công bố sự ra mắt của một công ty trí tuệ nhân tạo mới có tên xAI. Theo CNBC, xAI được ra đời với mục tiêu “hiểu bản chất thực sự của vũ trụ”. Theo trang web của công ty, Elon Musk và đội ngũ lãnh đạo sẽ chia sẻ thêm thông tin về xAI trong một cuộc trò chuyện trực tiếp trên Twitter Spaces vào ngày 14/7.

Tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới tính tới ngày 5/7. (Nguồn: Bloomberg Billionaires Index - Doanh Chính tổng hợp).

Một tỷ phú Mỹ khác cũng kiếm được bộn tiền trong nửa đầu năm 2023 là CEO Meta (công ty mẹ Facebook), Mark Zuckerberg. Tài sản ròng của ông đã tăng thêm khoảng 61,5 tỷ USD tính tới ngày 5/7, qua đó nâng tổng giá trị tài sản ròng của CEO Meta lên mức 107 tỷ USD.

Gần như toàn bộ giá trị tài sản ròng của tỷ phú Mark Zuckerberg được gắn liền với cổ phiếu của Meta Platforms. Giá cổ phiếu công ty mẹ Facebook đã tăng hơn 135% kể từ đầu năm.

Giá cổ phiếu Meta, cũng như nhiều cổ phiếu công ty công nghệ lớn khác, đang tăng cao với niềm tin của các nhà đầu tư rằng công ty sẽ được hưởng lợi từ cơn sốt AI, vốn đã phát triển mạnh mẽ trong năm nay nhờ sự ra đời của chatbot ChatGPT.

Meta mới đây cũng đã chính thức ra mắt mạng xã hội mới mang tên Threads. Mạng xã hội này cũng nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất lịch sử khi có 100 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là cái tên chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng ít nhất trong số 10 tỷ phú giàu nhất thế giới tính tới ngày 5/7. Khối tài sản ròng của ông đã tăng thêm 7,85 tỷ USD, qua đó nâng tổng giá trị khối tài sản ròng lên mức 115 tỷ USD.

Phần lớn giá trị tài sản ròng của tỷ phú Warren Buffett gắn liền với cổ phiếu Berkshire Hathaway, vốn hoạt động không tốt bằng các cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn khác từ đầu năm.

Theo Nasdaq, việc giá cổ phiếu các công ty công nghệ lớn tăng cao trong nửa đầu năm nay phần lớn nhờ vào cơn sốt AI, và không có gì đảm bảo rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm, nhất là khi sự quan tâm tới AI đang hạ nhiệt.

Ngoài ra, thị trường cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như lãi suất, lạm phát, xung đột địa chính trị,… Nếu thị trường chịu tác động tiêu cực, các tỷ phú hàng đầu nước Mỹ có thể “đánh rơi” hàng tỷ USD trong nửa cuối năm.

Anh Nguyễn

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.