Giới ngân hàng Nhật Bản đua nhau phát triển tiền ảo
Kể từ ngày 1/4/2017, tiền ảo bitcoin đã chính thức được chính phủ Nhật Bản công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Điều này đã dẫn tới việc gia tăng nhu cầu sử dụng bitcoin và khiến cho giá trị đồng tiền này tăng chóng mặt, cũng như xuất hiện thêm nhiều sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật.
Theo sàn giao dịch bitFlyer, số cửa hàng chấp nhận bitcoin tại Nhật có thể đạt 300.000 vào cuối năm nay. Dịch vụ khí đốt Nippon Gas cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn bằng bitcoin trong vòng chưa tới 1 phút, thông qua một máy ATM đặc biệt có khả năng kết nối với điện thoại.
Giá bitcoin quốc tế hiện ở mức hơn 2.600 USD, và giá bitcoin tại Nhật còn cao hơn mức này khoảng 300 USD, theo số liệu từ CryptoCompare.com.
Máy thanh toán hóa đơn bằng bitcoin của Nippon Gas. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư) |
Dĩ nhiên, điều này làm những ai nắm giữ bitcoin cực kỳ hớn hở. Nhưng nó cũng làm hài lòng những ai vẫn hay chỉ trích rằng bitcoin khó có thể được sử dụng như một loại tiền tệ, vì giá cả biến động quá nhiều của loại tiền ảo này, cộng thêm việc nhiều người mua nó để dùng làm tài sản an toàn như vàng chứ không phải để giao dịch.
Và trong thời gian tới, sức quyến rũ của bitcoin tại Nhật Bản có thể giảm đi, khi mà nhiều tập đoàn ngân hàng và tài chính tại Nhật cũng đang phát triển các loại tiền ảo của riêng mình.
Hồi đầu tháng 5 này, tập đoàn ngân hàng lớn nhất nước Nhật là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) đã bắt đầu thử nghiệm việc triển khai loại tiền ảo mang tên MUFG coin.
Để sử dụng loại tiền này, người dùng cần tải về một ứng dụng, và chuyển đổi tiền từ tài khoản sẵn có, theo tỷ giá cố định 1 yen = 1 MUFG coin (chứ không phải tỷ giá thả nổi như bitcoin). Sau đó, họ có thể dùng MUFG coin để chuyển tiền ngay lập tức cho một người dùng khác, hoặc để mua sắm tại các cửa hàng chấp nhận loại tiền này.
BTMU là tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư) |
Theo dự tính của BTMU, nhiều người sẽ muốn dùng tiền ảo để thay thế tiền mặt, đặc biệt là trong việc chuyển tiền, vì tiền ảo có mức độ tiện lợi cao hơn nhiều. Họ có thể dùng ứng dụng của BTMU để chia hóa đơn sau khi đi ăn chung, hoặc cho bạn bè vay những khoản tiền nhỏ. Theo một báo cáo khác, việc sử dụng MUFG coin để chuyển khoản quốc tế có thể giúp tiết kiệm hơn 90% chi phí.
Hiện tại, có khoảng 200 quan chức và nhân viên tại BTMU đang thử dùng MUFG coin. Ngân hàng này dự kiến sẽ thử nghiệm sản phẩm này tại khắp các chi nhánh trước cuối năm nay.
Ngoài BTMU, 2 đại ngân hàng khác của Nhật cũng đang theo đuổi việc phát hành tiền ảo. Mizuho Financial Group đang phát triển tiền ảo Mizuho cùng với IBM Nhật Bản, trong khi Sumitomo Mitsui Banking đã thử nghiệm tiền ảo SMFG coin hồi tháng 9/2016.
Cả 3 ngân hàng kể trên cũng đã cùng nhau đầu tư 1,75 triệu USD vào sàn giao dịch bitFlyer hồi tháng 2/2017. bitFlyer hiện là sàn bitcoin lớn nhất Nhật Bản, với lưu lượng giao dịch hàng tháng trị giá hơn 360 tỷ yen (3,25 tỷ USD) và hơn nửa triệu khách hàng. Cho đến nay, công ty này đã gọi vốn được hơn 36 triệu USD.
bitFlyer hiện là sàn giao dịch bitcoin lớn thứ nhì thế giới. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư) |
Nhiều tổ chức tài chính Nhật Bản khác cũng đang có động thái tương tự. Tập đoàn SBI Holdings đã liên doanh với startup tiền ảo Ripple (Mỹ) từ năm ngoái để phát triển một nền tảng thanh toán giá rẻ dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), vốn là nhân tố cốt lõi của bitcoin. Hiện tại, đã có 59 tổ chức tài chính tham gia vào mạng lưới này. Giám đốc Takafumi Okita của liên doanh SBI Ripple Asia cho biết: “Tôi không hình dung được là ý tưởng này lại được chấp nhận rộng rãi tới vậy”.
Hiện tại, trên thế giới đã có hơn 1.000 loại tiền ảo khác nhau. Tổng giá trị lưu thông của 700 loại tiền ảo phổ thông nhất là hơn 77 tỷ USD, trong đó riêng một mình bitcoin đã là khoảng 39 tỷ.