|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới lập pháp Mỹ liên tiếp đưa ra các dự luật nhắm vào nhóm Big Tech

02:29 | 13/06/2021
Chia sẻ
Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ ngày 11/6 đã đưa ra bốn dự luật nhằm kiềm chế quyền lực của những “gã khổng lồ” công nghệ, còn gọi là nhóm Big Tech, trong đó một dự luật có khả năng dẫn đến phân tách hoạt động của các công ty này.
Giới lập pháp Mỹ liên tiếp đưa ra các dự luật nhắm vào nhóm Big Tech - Ảnh 1.

Giới lập pháp Mỹ liên tiếp đưa ra các dự luật nhắm vào nhóm Big Tech. (Ảnh: Ascannio/Shutterstock).

Hai trong số các dự luật này liên quan đến vấn đề các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon.com hay Google của tập đoàn Alphabet tạo ra các nền tảng cho các doanh nghiệp khác hoạt động nhưng rồi lại lập các công ty con cạnh tranh với chính những doanh nghiệp đó.

Theo đó, một dự luật đề xuất cấm các nền tảng sở hữu các công ty con hoạt động trên nền tảng của mình nếu các công ty con đó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác hoạt động trên cùng nền tảng. Dự luật này có khả năng buộc các công ty trong nhóm Big Tech như Amazon hay Alphabet phải bán đi các tài sản của mình.

Dự luật thứ hai sẽ khiến việc một nền tảng ưu tiên cho các sản phẩm của chính họ là bất hợp pháp trong hầu hết các trường hợp. Nếu vi phạm, nền tảng có thể phải trả khoản tiền phạt lên tới 30% doanh thu tại Mỹ của mình.

Dự luật thứ ba sẽ yêu cầu các nền tảng hạn chế bất kỳ thương vụ hợp nhất nào, trừ khi có thể chứng minh công ty được mua lại không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào mà nền tảng đó đang có.

Dự luật thứ tư sẽ yêu cầu các nền tảng cho phép người dùng chuyển dữ liệu của họ đến nơi khác nếu muốn, bao gồm cả cho phía doanh nghiệp cạnh tranh với họ.

Ngoài bốn dự luật trên đó, còn một dự luật thứ năm cho phép Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang nâng mức phí mà các công ty lớn phải trả cho việc các cơ quan này đánh giá tính hợp pháp của các thương vụ sáp nhập.

Sau khi thông tin về các dự luật được đưa ra, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho biết họ phản đối mạnh mẽ cách tiếp cận của các dự luật trên. Trong một tuyên bố sau đó, Phó Chủ tịch USCC Neil Bradley cho biết các dự luật nhắm vào các công ty cụ thể, thay vì tập trung vào các phương thức kinh doanh. Ông cho đây là "chính sách tồi tệ" và có thể bị coi là vi hiến.

Ngược lại, ông Robert Weissman, Chủ tịch nhóm vận động vì quyền lợi người tiêu dùng Public Citizen cho biết sự tăng trưởng và khả năng áp đảo không được kiểm soát của Big Tech đã dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực của họ. Điều này làm tổn hại đến người tiêu dùng, người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và sự đổi mới sáng tạo.

H.Thuỷ