Giao ACV làm sân bay Long Thành: Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại phiên họp (Nguồn ảnh: VnEconomy)
Sáng 14/10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành). Đây là phiên thẩm tra quyết định có hay không đưa báo cáo này ra xem xét tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 17/10 tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là dự án hết sức quan trọng nhưng đến nay báo cáo thẩm định cũng mới chỉ xem xét một số nội dung. Trên cơ sở đó thì Chính phủ cũng có tờ trình Quốc hội.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội là việc Chính phủ đã đồng ý để ACV là đơn vị chủ lực đầu tư, khai thác sân bay Long Thành.
Lý do Chính phủ chọn ACV là vì vốn nhà nước đang chiếm 95% vốn của doanh nghiệp này và tới đây phần vốn nhà nước tiếp tục tăng lên đến gần 100%. Việc giao ACV đầu tư, khai thác được cho là phù hợp khi Tổng Công ty cũng đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, hiện ACV đã cân đối nguồn lực bố trí hơn 37% vốn, số còn lại huy động của các tổ chức tín dụng. Huy động chứ không phải hợp tác, vì sân bay quốc tế là không cổ phần hoá.
Bộ trưởng Thể nói “Tổ chức nào làm cũng được nhưng nếu ACV làm thì an ninh an toàn, nhất là đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ tốt hơn”.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Chính phủ lý giải, theo quy định tại khoản 3 điều 2 nghị quyết số 94/2015/QH13, dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư (các hạng mục 1,2 và 4) bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được.
Ông Thể cũng nhấn mạnh, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu (khoản 3 điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Do vậy, nếu giao ACV đầu tư, khai thác cảng, việc này cần phải được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ra một loạt các vấn đề lớn mà ông băn khoăn, trong đó có việc Chính phủ muốn Quốc hội thông qua nghị quyết nhưng lại không có dự thảo nghị quyết kèm theo thì Ủy ban Kinh tế không biết là thẩm tra cái gì để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. “Dù hồ sơ thì gửi rất nhiều”, ông Thanh nói.
Một vấn đề lớn mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn là việc Chính phủ kiến nghị giao giai đoạn 1 của dự án cho ACV đầu tư các hạng mục chính.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.
“Cái này là chỉ định thầu, vì theo luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội cái này hay không?”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho biết, hiện AVC cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không? Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, nếu về mặt thẩm quyền thì chỉ định thầu tức là làm khác luật thì phải trình Quốc hội là đúng. Nhưng ông Giang lưu ý là chỉ xin Quốc hội cơ chế chỉ định thầu chứ không phải xin cho doanh nghiệp cụ thể nào cả, đồng thời phải báo cáo rất rõ chỉ định thầu thì ảnh hưởng đến các điều ước quốc tế và tính công khai minh bạch thế nào.
Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Văn Tiến cũng cho rằng cần cân nhắc. “Quốc hội không chỉ định thầu mà chỉ cho chủ trương hoặc cơ chế để Chính phủ làm việc đó”, ông Tiến nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/