Giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành "Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu 2017-2020".
Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng mạnh (Ảnh: VASEP) |
Mới đây, thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban Châu Âu (EC), từ tháng 1-9, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đã nhận được thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015.
Số lô hàng thủy sản bị cảnh báo kim loại nặng bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm Cơ quan thẩm quyền EU có văn bản cảnh báo số 16-814 ngày 24/5/2016 yêu cầu Cơ quan thẩm quyền các nước thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Báo cáo tháng 9 của Bộ NN&PTNT cho hay, sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn và thách thức do rét đậm, rét hại, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của bão và sự cố môi trường xảy ra ở một số tỉnh ven biển miền Trung.
Mặc dù khó khăn nhưng sản xuất thủy sản vẫn tăng nhẹ. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước tính đạt 4.949,6 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.621 ngàn tấn, tăng 1,8%.
Hoạt động nuôi tôm hiện nay có những tín hiệu tích cực hơn về thị trường tiêu thụ, thêm vào đó do thời gian nuôi ngắn, năng suất đạt khá, giá bán ổn định nên nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80 nghìn ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước tính đạt 200 nghìn tấn, tăng 4,2%.
Theo số liệu từ VASEP, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt trên 1,9 tỷ USD; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 10%, chiếm 60,4% tổng giá trị xuất khẩu; tôm sú giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,4%.
Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm.