Giám sát chặt doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài
Một góc nhà máy đóng tàu Dung Quất đang thua lỗ - Ảnh: TRẦN MAI |
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12-NQ/TW) vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn…
Với quan điểm rất rõ ràng, Nghị quyết khẳng định DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, ở những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh. Và những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Nghị quyết yêu cầu tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích.
Kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém. Cũng như phải tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN.
Nghị quyết đặt mục tiêu cơ cấu lại, đổi mới DNNN giai đoạn 2017 -2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực.
Đến năm 2030, hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần. Phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Cho phá sản DNNN không có phương án phục hồi khả thi
Để thực hiện được các vấn đề nói trên, Nghị quyết tiếp tục yêu cầu trong quá trình đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cần tà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại các doanh nghiệp nhà nước, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp.
Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp thì thực hiện cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, giải thể, phá sản.
Đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn hoặc cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối thì cơ cấu lại bằng cơ chế, chính sách phù hợp.
Mở rộng các phương thức bán cổ phần, vốn góp, kể cả bán toàn bộ DNNN, cũng như áp dụng biện pháp phá sản theo quy định của pháp luật đối với DNNN lâm vào tình trạng phá sản mà không có phương án phục hồi khả thi.
Đối với những dự án đầu tư thua lỗ, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.
Nghị quyết yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu.
Với các DNNN đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hóa, Nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng. Doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng.
Với các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI, Nghị quyết nhấn mạnh tổ chức chặt chẽ việc cổ phần hóa, giải thể các công ty nông, lâm nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người đang nhận khoán đất đai, mặt nước, vườn cây lâu năm và rừng.
Nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau) do Vinashin góp vốn đầu tư, giờ hoang phế, vẫn chờ phá sản - Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Vận hành theo cơ chế thị trường
Để thực hiện điều này, Nghị quyết nhấn mạnh xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế...
Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng. Hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong DNNN, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trên cơ sở hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước theo thông lệ quốc tế.
Mặt khác, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với DNNN. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với DNNN.
Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN. Thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng: thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ đó, phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp.
Nhà máy đóng tàu Năm Căn hứa hẹn tạo hàng ngàn việc làm, giờ hoang phế. Ảnh: Nguyễn Hùng |
DNNN “khó chạy” trách nhiệmSau khi tham khảo về các nội dung mà Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đề cập, GS-TS Trần Ngọc Thơ (trường Đại học Kinh tế TP.HCM), cho hay điều ông cảm thấy tâm đắc nhất là Nghị quyết nhấn mạnh xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN. Cũng như các hành vi đối xử bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế...với các thành phần kinh tế khác của DNNN. Tuy nhiên, ông Thơ cũng thấy rằng, không chỉ xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, Nghị quyết còn cần lưu ý thêm cả việc xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính gián tiếp, dưới nhiều hình thức, mà thực tế hiện nay không thiếu ví dụ sinh động trực quan, dễ dàng kiểm chứng. Mặt khác, khi đề cập đến việc “xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém”, ông Thơ đề xuất Nghị quyết cần mở rộng thêm cả DNNN trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, với yêu cầu “tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích” như Nghị quyết, ông Thơ kiến nghị các lĩnh vực như y tế, vệ sinh đô thị môi trường, cấp thoát nước…nên giao hẳn cho tư nhân thực hiện, nhằm tránh xảy ra các mâu thuẫn khi Nghị quyết được triển khai thực hiện trong thời gian tới. |