Giảm phát thải nhà kính: Doanh nghiệp FDI muốn nhà cung cấp phải cùng thực hiện
Tại Hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, hướng đến tham vọng phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero)” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức ngày 9/12, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn về những khó khăn, thách thức trong giảm phát thải nhà kính, hướng tới Net Zero và đưa ra giải pháp.
Net Zero: Doanh nghiệp không thể thực hiện một mình
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp FDI đặt mục tiêu phát thải ròngbằng 0 nhưng muốn thực hiện được điều này thì phải có sự hợp tác chặt chẽ, chung tay đồng hành của các đối tác và các nhà cung cấp.
"Thách thức với với doanh nghiệp khi thực hiện Net Zero là phát thải đến từ các hoạt động ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Vì vậy, muốn thực hiện được Net Zero thì không chỉ một mình doanh nghiệp đó thực hiện mà cả các đối tác, nhà cung cấp của doanh nghiệp đó cũng cần phải thực hiện".
Theo bà Ánh, trong những năm qua, Heineken Việt Nam không ngừng thúc đẩy việc hiện thực hóa lộ trình giảm phát thải trong sản xuất, thông qua các hoạt động giảm tiêu thụ năng lượng bằng các thiết bị tiên tiến và tối ưu quy trình.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng đối mới sáng tạo nhằm tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc giảm phát thải trong sản xuất.
Hiện tại, Heineken Việt Nam sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, và toàn bộ các nhà máy bia Heineken Việt Nam đã không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021. Qua đó, doanh nghiệp đã giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018.
Tuy nhiên, hơn 90% lượng phát thải của Heineken Việt Nam trên toàn chuỗi giá trị đến từ các nguồn phát sinh gián tiếp, đa dạng và phức tạp. Vì vậy, Heineken Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải trên chuỗi cung ứng, bao gồm việc hỗ trợ các nhà cung cấp xây dựng mục tiêu, kế hoạch và lộ trình.
Đồng thời, áp dụng kinh tế tuần hoàn xuyên suốt chuỗi giá trị, tái sử dụng đến 97% chai thủy tinh và 99% két nhựa cũng như hợp tác với các nhà cung cấp và tái chế cho dự án từ lon nhôm ra lon nhôm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên tục áp dụng đổi mới sáng tạo để tối ưu hóa ở các khâu kho vận, làm lạnh, và tiếp tục tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm đóng góp mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Cần sự hợp tác từ nhiều phía
Heineken Việt Nam đã cùng các đối tác trong chuỗi cung ứng, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn quốc tế cập nhật về những quy định pháp lý liên quan đến giảm thiểu phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo.
Đồng thời, chia sẻ về những thuận lợi, thách thức, cũng như các sáng kiến của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy sự chung tay thực hiện giảm phát thải từ các hoạt động sản xuất và chuyển đổi năng lượng trên toàn chuỗi giá trị, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đại diện Heineken Việt Nam cho biết.
Song các đối tác nằm trong chuỗi giá trị của Heieneken Việt Nam như: Doanh nghiệp cung ứng, sản xuất bao bì, đơn vị tái chế cũng cần chung tay hợp tác, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết tại COP26.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký VBCSD cho biết, các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan cần hợp tác chặt chẽ để truyền cảm hứng, hỗ trợ lản tỏa, chia sẻ rộng rãi hơn các sáng kiến và thực hành tốt đến cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, phải có cơ chế tăng cường phối hợp và đối thoại tích cực để hành động hiệu quả.
Theo Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng Ozone, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong tiến trình hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy việc thực hiện giảm phát thải từ các hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.