|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thế giới chưa có khuôn khổ pháp lý riêng cho ESG, Việt Nam có cần xây dựng danh mục phân loại xanh?

15:22 | 19/11/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, những thị trường mới nổi như Việt Nam rất cần danh mục phân loại xanh bởi vì thị trường thiếu thông tin, yếu tố quan trọng trong việc đánh giá ESG các doanh nghiệp.

Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”. (Ảnh: H.T).

Sáng ngày 19/11, tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.Với ngành ngân hàng việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các ngân hàng phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội.

"Việc thực hành ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng", Phó Thống đốc chia sẻ.

Theo số liệu của NHNN, đến 30/9/2024, đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Các TCTD đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trên thế giới không có khuôn khổ pháp lý riêng cho ESG

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra các góc nhìn khác nhau về việc áp dụng các tiêu chí đánh giá về ESG, tiêu chí xanh trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết bản thân thị trường tài chính xanh thế giới mới phát triển mạnh từ 2012 và tới gần đây mới chú ý thêm về các tiêu chí ESG.

Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các đánh giá về các tiêu chí này như ASEAN đã có quy định về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững. Các hiệp hội cũng có những chuẩn hoá về ESG của khu vực. Còn khuôn khổ pháp lý thì phụ thuộc vào từng quốc gia khác nhau.

Với các ngân hàng, họ có góc độ tiếp cận khác trong việc đánh giá tiêu chí xanh nói chung.Với tư cách người cho vay, ngân hàng cần hiểu rõ về các tiêu chí để có đánh giá sát sườn hơn về khách hàng của mình.

Trước đây ngân hàng chỉ quan tâm năng lực tài chính, khả năng trả nợ của người đi vay, còn các yếu tố phi tài chính như ESG có thể được xem là vấn đề bổ trợ, thứ yếu.Tuy nhiên, khi trào lưu về tài chính xanh đưa ra thì ngân hàng mới tìm hiểu và nghiên cứu cách để đo lường mức độ "tích cực" của các dự án để có thể có những sản phẩm với mức lãi suất ưu đãi phù hợp.

 Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á. (Ảnh: ADB)

"Vậy ngân hàng làm thế nào để đo lường được các tiêu chí xanh, ở góc độ môi trường, xã hội hay quản trị, đây là những diễn biến tương đối mới trong toàn bộ thị trường tài chính xanh và ESG nói chung. Và điều này phụ thuộc vào khuôn khổ pháp lý nói chung về các ngành kinh tế và các quy định về tuân thủ pháp luật trong vấn đề quản trị", ông Hùng cho hay.

Chuyên gia cho rằng "đi sớm và đi chậm" là cách phù hợp hơn với các tổ chức trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý còn đang thay đổi. Việc đi sớm sẽ giúp nhận thức rõ hơn và sự chuẩn bị hệ thống tốt hơn để thích ứng với những diễn biến mới từ việc thay đổi của các quy định pháp luật không chỉ trong thị trường Việt Nam mà cả thế giới.

Ông cũng cho hay trên thế giới hiện nay không có một khuôn khổ pháp lý nào về ESG, chỉ có hệ thống khuôn khổ pháp luật chung về hoạt động kinh doanh. Ví dụ như tiêu chuẩn phác thải, một doanh nghiệp đáp ứng được thì mới được Bộ Tài Nguyên cấp phép,...

Do đó, các tổ chức tài chính khác nhau sẽ có cách ứng xử khác nhau với cùng một dự án, tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro. Ví dụ như về các dự án điện than, hiện nay nhu cầu và nguyên liệu là có nhưng phần lớn các bank lớn trên quốc tế đã ngừng cho vay do khả năng thu hồi vốn khó do các khoản vay thường dài hạn 20 - 25 năm.

Nên chăng có một bộ quy định ESG mang tính khái quát?

Nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo cho rằng cần có một bộ quy định chung về ESG để làm quy chuẩn để các tổ chức có thể dựa vào đó để đưa ra các đánh giá, xếp loại phù hợp với mục đích của từng tổ chức.

Bà Lý Thu Nga,Trưởng Hợp phần Cải cách khu vực tài chính xanh, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), cho biết tại Đức, Cơ quan Giám sát Tài Chính Đức đã ban hành một bộ tiêu chí để các ngân hàng và NHTW, các cơ quan giám sát có thể đánh giá được việc thực hiện đánh giá rủi ro từ các yếu tố trên và có được bức tranh tổng thể về hoạt động tài chính xanh.

Chia sẻ thêm về vấn đề xây dựng tiêu chí ESG, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia Hiệp hội kế toán Anh Quốc (ACCA) Việt Nam, cho rằng các danh mục phân loại xanh sẽ giúp cho các ngân hàng nhận diện dự án như thế nào là "xanh", các dự án đủ điều kiện.

"Những thị trường mới nổi như Việt Nam rất cần các danh mục phân loại xanh bởi vì thiếu thông tin, yếu tố quan trọng trong việc đánh giá ESG các doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến ngân hàng không thể dựa vào đó để đánh giá các doanh nghiệp mà phải trông chờ vào ban hành của Chính phủ về danh mục phân loại xanh", ông Hưng nói.

Trên thực tế ở nhiều nước phát triển trên thế giới, việc có hay không có danh mục xanh cũng không quá quan trọng trong việc thực hiện ESG, tuy nhiên họ có nhiều công cụ, dữ liệu để đánh giá. Như tại Mỹ, họ dựa trên các tiêu chuẩn đã phổ biến trong hệ thống tài chính, thứ hai là vai trò của các tổ chức đánh giá ESG, xếp hạng.

H.T