ESG - tiêu chuẩn cho nhà đầu tư quốc tế và cơ hội cho lĩnh vực năng lượng bền vững tại Việt Nam
Tiêu chuẩn cho nhà đầu tư quốc tế
Từ tháng 1 đến tháng 12/2023, Deloitte đã khảo sát hơn 1 nghìn nhà đầu tư tại các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, bao gồm những người nắm giữ tài sản, nhóm quản lý tài sản và các cố vấn đầu tư ở các thị trường. Nổi bật, 83% nhà đầu tư được khảo sát đã đưa thông tin về tính bền vững vào các phân tích cơ bản của mình; 79% nhà đầu tư được hỏi cũng đã xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển bền vững, cải thiện so với con số 20% cách đây 5 năm.
Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm thông tin phát triển bền vững như một phần của quá trình thẩm định, thể hiện qua việc 84% người được khảo sát đồng tình với ý kiến này. Đây cũng là con số cao nhất so với các khu vực khác trong nghiên cứu. Tư duy trưởng thành tích cực này đến từ nhiều yếu tố, nổi bật là để đáp ứng yêu cầu pháp lý (41%), được tác động bởi các nhà đầu tư và các bên liên quan (36%), để cải thiện tác động đến xã hội bên cạnh việc gia tăng khả năng tài chính (36%).
Theo một báo cáo từ Bloomberg, tổng tài sản ESG toàn cầu đã vượt ngưỡng 30 nghìn tỷ USD trong năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng và vượt mốc 40 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Bất chấp những lo ngại và thách thức từ nền kinh tế vĩ mô, thị trường ESG vẫn được dự báo sẽ trở nên hấp dẫn, “trưởng thành” hơn với những quy định cụ thể, rõ ràng vào cuối thập niên này.
Ngành năng lượng là một trong những tâm điểm trong quá trình chuyển đổi khi mức đầu tư toàn cầu vào việc chuyển đổi năng lượng phát thải carbon thấp đã đạt mức 1,77 nghìn tỷ USD trong năm 2023, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại châu Á, Viện Kinh tế Năng lượng & Phân tích Tài chính (Institute for Energy Economics and Financial Analysis) đã công bố một báo cáo về khả năng đầu tư vào chuỗi cung ứng của các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi. Tập trung vào 7 thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam, Philippines), nghiên cứu cho biết tiềm năng đầu tư cho các thị trường này được dự đoán sẽ vượt mốc 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bền vững tại Việt Nam
Theo báo cáo The Turning Point của Deloitte vào năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 43 nghìn tỷ USD Mỹ trong giai đoạn 2021 – 2070 nếu nền kinh tế thế giới chuyển đổi thành công và đạt được mục tiêu net zero.
Mức độ khả thi của mục tiêu này đến đâu phụ thuộc nhiều vào các kịch bản diễn ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây vừa là một trong những nhà phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, vừa phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu rõ ràng nhất và đồng thời là thị trường đông dân cư và có nguồn lực chuyển đổi xanh. Theo một nghiên cứu của ngân hàng BNP Paribas, châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng và nổi lên là đơn vị phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai sau châu Âu.
Tại châu Á, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng tăng trưởng xanh. Trong giai đoạn 2015 – 2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư. Con số này đưa Việt Nam trở thành á quân trong số các quốc gia đang phát triển về tỷ lệ vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo, chỉ đứng sau Brazil, theo Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2022 của UNCTAD.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, mạng lưới 3 nghìn sông, ngòi đưa nước ta vào top 14 quốc gia trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện, chưa kể đến nguồn năng lượng sinh khối từ nhiều nguồn khác nhau, tiềm năng năng lượng địa nhiệt, năng lượng biển (thủy triều).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch trong thời gian gần đây. Nổi bật nhất vào năm ngoái, Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Theo đó đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ lên đến 67,5 – 71,5% cùng với một hệ thống lưới điện thông minh, quy mô lớn. Mức phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất điện sẽ được kiểm soát đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và dự kiến còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Bức tranh thực tiễn còn nhiều khó khăn
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành ngày 19/10/2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết theo tính toán, cứ 1% tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo mức tăng 1,5% về nhu cầu điện. Tính riêng năm 2024, tăng trưởng kinh tế phấn đấu tăng 7%, đồng nghĩa với nhu cầu điện cũng tăng ít nhất 10%.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay, tổng số các dự án điện năng lượng tái tạo đã đầu tư của Việt Nam đang chiếm khoảng 20% tổng năng lượng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 350 nghìn tỷ đồng.
Đứng trước bối cảnh có thể đẩy mạnh quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam có thời cơ để phát huy nội lực cũng như tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác và thu hút nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, hành trình hứa hẹn đó vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Đáng chú ý, dù mới được phê duyệt vào tháng 5/2023, Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công Thương xin ý kiến điều chỉnh thông qua dự thảo. Trong đó việc cung ứng điện trong các năm 2025 – 2030 được đánh giá là khó khăn, có nguy cơ thiếu hụt điện năng nếu các nguồn điện được phê duyệt trong quy hoạch không đáp ứng được tiến độ. Song song, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cũng bước đầu được chỉ đạo để hoàn thiện, kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và sửa đổi các thông tư liên quan.
Khuôn khổ pháp lý cũng đồng thời là rào cản cho việc huy động nguồn tài chính ngoại lớn. Trong thời gian gần đây, không ít tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đã tạm dừng, thậm chí hủy bỏ, rời khỏi thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. Nguyên do của các dự án điện gió ngoài khơi của Orsted (Đan Mạch), Equinor (Na Uy) đều có liên hệ với chính sách và lộ trình phát triển khuôn khổ pháp lý.
Có thể thấy, rào cản pháp lý vẫn là một trong những nút thắt chính cần được gỡ rối để Việt Nam tăng tốc thực hiện chuyển đổi xanh. Khi hệ thống được hoàn thiện, lẽ dĩ nhiên cơ sở này sẽ tạo dựng nên điểm tựa cho các cơ quan nhà nước, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chuyển đổi xanh là một quá trình đòi hỏi sự vào cuộc, chủ động của nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức tài chính, trong đó nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt để các thành phần kinh tế khác học hỏi, tuân theo trong thực tiễn. Nhà nước tiêu dùng xanh, người dân tiêu dùng xanh sẽ thúc đẩy nguồn cung xanh, khi đó vai trò của các nhà đầu tư mới thực sự có hiệu quả và là đòn bẩy cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, góp phần kiến tạo những những giá trị tích cực trên cả các khía cạnh kinh tế và môi trường, xã hội.