|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giảm nỗi lo tác động từ tỷ giá

16:37 | 30/08/2016
Chia sẻ
Tỷ giá là một cái “huyệt” quan trọng, tác động đến nhiều mặt đối với nền kinh tế có độ mở rộng, được nhiều người quan tâm. Vậy sự ổn định của tỷ giá của 8 tháng đầu năm 2016 ra sao và tác động thế nào?

Sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong 8 tháng đầu năm 2016 được biểu hiện trực tiếp là số tháng mà giá USD so với VND giảm nhiều hơn tăng. Trong 8 tháng đầu năm, giá USD có 3 tháng tăng nhẹ (tháng 1, tháng 4, tháng 6), 5 tháng giảm sâu hơn (tháng 2, tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8), nên tính chung 8 tháng (tháng 8/2016 so với tháng 12/2015) giảm 1,07% (trong khi cùng kỳ năm 2013 tăng 1,59%, năm 2014 tăng 0,42%, năm 2015 tăng 2,33%).

Điều đó chứng tỏ, trong 8 tháng đầu năm, VND đã lên giá so với USD, làm giảm bớt nỗi lo từ cuối năm trước khi nhiều tổ chức và cá nhân dự báo tỷ giá sẽ tăng cao và là vấn đề lớn nhất của năm 2016. Diễn biến này có thể làm chúng ta có kỳ vọng yên tâm hơn với tỷ giá VND/USD. Đáng lưu ý, sự ổn định tỷ giá VND/USD diễn ra trong khi giá nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... giảm mạnh trong thời gian tương ứng.

tin nhap 20160830162821

Sự ổn định của tỷ giá đã góp phần kiềm chế lạm phát trong thời gian qua

Một biểu hiện khác là giá vàng trong nước (yếu tố có liên quan chặt chẽ với tỷ giá, nhưng tỷ giá vẫn cơ bản ổn định, mặc dù giá vàng trong nước thường nhảy múa theo giá vàng thế giới) nay không còn bị cộng hưởng với giá vàng thế giới và sau nhiều năm, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm.

Một biểu hiện khác nữa là, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỷ USD, có thông tin từ tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào USD, đưa dự trữ ngoại tệ (không kể vàng) của đất nước lên mức kỷ lục 38 tỷ USD, trong khi tỷ giá VND/USD vẫn cơ bản ổn định.

Như vậy, sự ổn định của tỷ giá đã góp phần kiềm chế lạm phát, xét dưới 2 góc độ. Ở góc độ thứ nhất, giá nhập khẩu tính bằng USD, khi tỷ giá giảm sẽ làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND giảm, theo đó, chi phí đẩy - một yếu tố của lạm phát - giảm, kéo lạm phát ở trong nước xuống. Ở góc độ thứ hai là yếu tố tâm lý, bởi USD là một trong những nơi trú ẩn của đồng tiền khi lạm phát cao, nay tỷ giá giảm thì tâm lý này giảm.

Sự ổn định của tỷ giá góp phần vào việc mua USD, tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước; giảm bớt tình trạng găm giữ ngoại tệ, tình trạng đô la hóa của nền kinh tế; làm cho nợ ngoại tệ khi tính bằng VND không tăng kép (vừa tăng do tính bằng ngoại tệ, vừa tăng do tỷ giá tăng); đồng thời góp phần ổn định giá vàng, không làm cho giá vàng tăng kép (vừa tăng do tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá tăng).

Sự ổn định của tỷ giá VND/USD do nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là cán cân thương mại thặng dư. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất siêu hàng hóa đạt 2,039 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 4,138 tỷ USD. Yếu tố này đã góp phần làm cho cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng, góp phần ổn định tỷ giá VND/USD.

Một yếu tố quan trọng là do lượng ngoại tệ vào Việt Nam có quy mô lớn và gia tăng so với cùng kỳ từ các nguồn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 7 tháng đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; khả năng cả năm 2016 sẽ vượt kỷ lục 14,5 tỷ USD của năm trước. Nguồn vốn đầu tư gián tiến (FII) tính đến nay ước đạt trên 15 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần năm 2011. Lượng kiều hối được chuyển về vào dịp Tết cổ truyền đầu năm nhiều hơn các thời gian khác trong năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt trên 5,55 triệu lượt người, tăng 24%, với chi tiêu khoảng 4,84 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ...

Một yếu tố quan trọng khác là do các giải pháp điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. Trung tuần tháng 8/2015, việc điều chỉnh “kép” (vừa tăng tỷ giá, vừa nới rộng biên độ) và “vượt trước ngăn chặn” (về việc giảm giá của nhân dân tệ và tăng lãi suất của Hoa Kỳ). Thay đổi phương thức điều hành tỷ giá từ một vài lần trong năm như trước (gọi nôm na là “giật cục”), bằng việc điều hành thông qua tỷ giá trung tâm (gọi nôm na là “trườn bò”), vừa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với cơ chế thị trường, vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ...

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng ít người chú ý là “cánh kéo” tỷ giá (chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương) của Việt Nam tuy đã giảm (chỉ còn bằng một nửa cách đây một vài chục năm), nhưng hiện còn rất lớn so với nhiều nước. Chênh lệch này của Việt Nam là 2,78 lần, lớn hơn chênh lệch của nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam (Singapore 1,43, Malaysia 2,21, Philippines 1,43, Thái Lan 2,49, Indonesia 2,75, Trung Quốc 1,75, Hồng Kông 1,4, Nhật Bản 0,94, Hàn Quốc 1,27, Canada 0,82, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 1,48, Anh 0,92, Italia 0,99, Tây Ban Nha 1,11, Bỉ 0,89, Pháp 0,88, Đức 0,95, Hà Lan 0,91, Australia 0,64...).

Từ những biểu hiện và các nguyên nhân tác động như trên, có thể dự đoán giá USD năm nay có thể tương đương hoặc cao hơn một chút so với tốc độ tăng của năm 2013 (1,09%), năm 2014 (1,0%), nhưng sẽ tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ của năm 2015 (5,34%).

Theo Minh Nhung

Đầu tư

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.