|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giám đốc Quốc gia WB nêu ra 4 đề xuất thúc đẩy phát triển logistics VN

12:19 | 15/12/2017
Chia sẻ
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của VN là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu.

Sáng nay (ngày 15/12), tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh & Phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và trực tiếp chủ trì Diễn đàn.

Cùng tham dự Diễn đàn còn có Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, giao thông vận tải và hơn 300 doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp logistics trên toàn quốc.

giam doc quoc gia wb neu ra 4 de xuat thuc day phat trien logistics vn
Ảnh nguồn: Internet.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ: hoạt động logistics và kết nối hiệu quả và tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.

Cũng theo Ông Ousmane Dione, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, hiện đang chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu, qua đó cho thấy mối liên kết yếu giữa các doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Ousmane Dione cũng cho hay, chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu.

“Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh", ông Ousmane Dione nói.

Do đó, theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh.

Ông Ousmane Dione cũng đưa ra 4 đề xuất được xem là cần ưu tiên để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam: Một là tăng cường kết nối; Hai là tăng cường tạo thuận lợi thương mại; Ba là tăng cường sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp; Bốn là theo dõi và đo lường tiến độ cải cách.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra 05 Lễ ký kết hợp tác chiến lược và toàn diện giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, các trường đại học nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới . Trong đó, Ký kết hợp tác giữa: 1) Ngân hàng OCB và Bee Logistics; 2) Vinalines và Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất; 3) Tập đoàn Novaon & Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt; 4) Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics và Đại học Quốc gia Hà Nội; 5) Hợp tác của 16 trường Đại học có chuyên ngành đào tạo Logistics

Khánh Hà

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.