Giám đốc Gojek Việt Nam: 'Khách hàng đến với chúng tôi vì dịch vụ chứ không phải vì màu áo'
Ngày 5/8, Gojek Việt Nam đã chính thức ra mắt. Trên thực tế, việc đổi đồng phục đã diễn ra trong suốt gần một tháng qua. Vì thế, hiện tại, gần như toàn bộ tài xế áo đỏ đã chuyển sang màu xanh-đen giống như các tài xế Gojek tại Indonesia.
Việc chuyển sang màu đồng phục xanh-đen là một trong những qui trình gần như bắt buộc khi GoViet (cũ) hợp nhất với công ty mẹ Gojek và xuất hiện tại thị trường Việt Nam với cái tên Gojek Việt Nam. Trên thực tế, trước đây các "ứng dụng con" của Gojek tại Thái Lan (GET) và Việt Nam (GoViet) đều mang một cái tên khác và mặc trang phục khác.
Màu xanh lá cây của Gojek khá giống với màu áo Grab, đối thủ cạnh tranh trực tiếp và hiện có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Trong ngành gọi xe hoặc taxi, màu xanh lá cây còn dễ trùng với màu "truyền thống" của Mai Linh và GV Taxi (dù hiện tại việc triển khai gọi xe 4 bánh của Gojek Việt Nam mới dừng ở mức kế hoạch).
Chia sẻ về màu áo xanh của tài xế, ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam cho rằng Gojek đã "phủ" màu áo này tại Indonesia từ những năm 2010, đồng thời cũng là hãng đầu tiên mang "màu xanh" hiện tại ra thị trường.
"Chúng tôi không nghĩ sự giống nhau về màu có thể làm ảnh hưởng đến bộ nhận diện thương hiệu của công ty. Hành trình của khách hàng bắt đầu từ trước khi họ thấy màu áo. Khách tìm đến chúng tôi vì họ biết trên ứng dụng có những dịch vụ cần thiết để đáp ứng nhu cầu chứ không phải vì màu áo", ông Đức tuyên bố.
Riêng về logo của Gojek, ông Đức nhấn mạnh rằng hình ảnh này có thể gợi lên nhiều ý nghĩa cho người nhìn. Logo Gojek giống một nút tắt bật smartphone, hoặc kính lúp (tượng trưng cho Gojek có nhiều dịch vụ khác nhau nên khách hàng có thể dùng kính lúp để tra cứu), hoặc chiếc ghim trên bản đồ Google Maps, hoặc chiếc mũ bảo hiểm khi nhìn từ trên xuống.