Giám đốc Điều hành Nvidia rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD
Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang đã rời khỏi câu lạc bộ tỷ phú sở hữu giá trị tài sản từ 100 tỷ USD trở lên tuần này sau khi giá trị tài sản ròng của ông giảm mạnh nhất, hơn 11 tỷ USD trong hai ngày 3-4/9.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Giám đốc Điều hành Huang đã giảm 9,9 tỷ USD trong phiên 3/9 và giảm thêm 1,6 tỷ USD trong ngày 4/9, xuống còn 93,4 tỷ USD.
Điều này khiến ông không còn là một trong những người giàu nhất thế giới với tài sản ròng hơn 100 tỷ USD. Câu lạc bộ 100 tỷ USD này gồm có các tỷ phú Elon Musk, Jeff Bezos và Warren Buffett.
Sự giảm sút tài sản này đã khiến ông Huang từ vị trí thứ 14 trên danh sách người giàu nhất thế giới xuống vị trí thứ 18, sau tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, với tài sản trị giá 102 tỷ USD và ba người con của nhà sáng lập Walmart Sam Walton gồm Jim (tài sản trị giá 99,5 tỷ USD), Rob (tài sản trị giá 97,2 tỷ USD) và Alice (tài sản trị giá 96,6 tỷ USD).
Giá trị tài sản ròng của Huang đã giảm xuống 11 chữ số do cổ phiếu của Nvidia giảm 9,5% trong phiên ngày 3/9, khiến giá trị thị trường của tập đoàn này giảm 279 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong một ngày đối với một công ty Mỹ trong lịch sử.
Giá cổ phiếu của Nvidia tiếp tục giảm 1,7% trong phiên 4/9, tổng cộng giảm 11% trong hai ngày, xóa bỏ 323 tỷ USD vốn hóa thị trường, nhiều hơn toàn bộ giá trị thị trường của Bank of America (314 tỷ USD) hoặc Coca-Cola (313 tỷ USD).
Cổ phiếu Nvidia đã giảm mạnh trong phiên 3/9 trong bối cảnh thị trường cổ phiếu bán dẫn suy giảm và sau khi hãng Bloomberg đưa tin rằng “gã khổng lồ” bán dẫn này đã nhận được lệnh triệu tập từ Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến cuộc điều tra chống độc quyền.
Nvidia đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu về chip vi xử lý do sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, chuyên phục vụ cho các khách hàng như Tesla của Elon Musk và Meta của Mark Zuckerberg.
Ngay cả sau đợt giảm giá trong tuần này, giá trị tài sản ròng của ông Huang vẫn tăng thêm khoảng 49 tỷ USD trong năm nay. Điều này là nhờ cổ phiếu Nvidia tăng 114% kể từ đầu năm nay, nâng giá trị thị trường của công ty lên 2.610 tỷ USD. Chỉ có Apple, với giá trị tài sản 3.400 tỷ USD và Microsoft với 3.000 tỷ USD là “xếp trên” Nvidia về giá trị tài sản.
Ngày 3/9, hãng Bloomberg đưa tin Nvidia đã nhận được lệnh triệu tập từ Bộ Tư pháp Mỹ về các vấn đề chống độc quyền, khiến cổ phiếu của hãng này giảm trong giao dịch sau giờ mở cửa.
Mặc dù báo cáo không chỉ ra lý do khiến cơ quan quản lý quan tâm đến Nvidia, song sự tăng trưởng gần đây của Nvidia được cho là nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự thống trị của nó trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo cho các trung tâm dữ liệu trước khi các đối thủ AMD và Intel bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến lĩnh vực này.
Theo ước tính của ngành, Nvidia chiếm hơn 80% thị trường chip trí tuệ nhân tạo cho trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó, Nvidia phủ nhận báo cáo về việc nhận được lệnh triệu tập từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Trước đó, các nguồn thạo tin cho hay Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lệnh triệu tập hầu tòa tới Nvidia, giữa lúc cơ quan này đang mở rộng cuộc điều tra về các hành vi chống độc quyền của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Bài báo cho biết Bộ Tư pháp Mỹ trước đó đã gửi các câu hỏi và hiện đã gửi yêu cầu có tính ràng buộc pháp lý đến Nvidia, đồng thời cho biết các công ty khác cũng đã nhận được lệnh triệu tập hầu tòa.
Theo bài báo, các quan chức lo ngại rằng Nvidia đang khiến các khách hàng của công ty này ngày càng khó chuyển sang các nhà cung cấp khác và phạt những người mua sử dụng cả chip trí tuệ nhân tạo của các nhà cung cấp khác.
Đáp lại, một phát ngôn viên của Nvidia khẳng định công ty sản xuất chip này có lợi thế nhờ những giá trị mang đến cho khách hàng, những người có thể chọn bất kỳ giải pháp nào tốt nhất cho họ.
Dù người mua chip có nhiều lựa chọn, nhưng Nvidia được coi là công ty đứng đầu về công nghệ chip AI mặc dù các đối thủ đang nỗ lực cạnh tranh.
Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các phần mềm và chip AI mạnh mẽ của Nvidia để nâng cấp và vận hành các mô hình AI kiểu như ChatGPT. Microsoft, Google, Meta,
Tesla và Amazon đều phụ thuộc vào công nghệ của Nvidia để đào tạo các mô hình AI tạo sinh và thực hiện các khối lượng tính toán lớn cần thiết để triển khai công nghệ mới này.
Tháng trước, The Information đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra đối với Nvidia sau khi nhận được khiếu nại từ các đối thủ cạnh tranh rằng “ông lớn” này đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình.
Lệnh triệu tập hầu tòa nói trên được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm đối với các công ty liên quan đến AI, khi các nhà đầu tư đang điều chỉnh lại kỳ vọng xung quanh công nghệ này, trước những lo ngại triển vọng sinh lời từ các khoản đầu tư lớn vào AI.
Tuần trước, Nvidia cho biết đã nhận được yêu cầu thông tin từ các cơ quan quản lý tại Mỹ và Hàn Quốc liên quan đến các khoản đầu tư, quan hệ đối tác và thỏa thuận với các công ty khác. Nvidia cũng đã nhận được yêu cầu từ Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Trung Quốc.
Dự báo hàng quý mà Nvidia đưa ra tuần trước thấp hơn kỳ vọng của giới đầu tư. Điều này cũng làm giảm bớt tâm lý lạc quan về công nghệ AI.