|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Đầu tư VinaCapital chỉ ra động lực hút dòng tiền vào chứng khoán trong dài hạn

07:36 | 24/01/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán năm 2023 được dự báo sẽ khả quan hơn nhờ các tín hiệu vĩ mô đang trở nên tích cực hơn, định giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn và triển vọng phát triển kinh tế trong dài hạn của Việt Nam.

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão, chúng tôi đã trao đổi với ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư - nhà điều hành quỹ VinaCapital -VEOF và VinaCapital-VIBF của VinaCapital về các triển vọng của thị trường cũng như cơ hội đầu tư chứng khoán trong năm 2023. 

Các vấn đề vĩ mô và thị trường mang tính tiêu cực đã tác động xấu đến chỉ số VN-Index trong năm qua. VinaCapital có dự báo như thế nào về những yếu tố này trong năm 2023?

Ông Đinh Đức Minh: Theo quan sát của VinaCapital, chúng tôi nhận định rủi ro lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh. Chỉ số hàng hóa toàn cầu của Bloomberg đã lập đỉnh vào tháng 6/2022 và giảm khoảng 16% tính đến cuối năm 2022. Lạm phát của Mỹ cũng lập đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, từ đó bắt đầu giảm dần theo xu hướng tháng sau thấp hơn tháng trước.

Kế đến, các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, nhưng mức tăng sẽ ít hơn nhiều so với năm 2022 do áp lực về lạm phát đã giảm xuống. Về tác động đối với thị trường chứng khoán, việc tăng lãi suất trong năm 2023 đã ít nhiều được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Trong nước, hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong năm 2023. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Quan trọng nhất, định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở mức rất hấp dẫn. Vào thời điểm cuối năm 2022, chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E cho năm 2023 khoảng 10 lần, thuộc vào vùng định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được sự hấp dẫn này và đã mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 12/2022.

Ơng Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư - nhà điều hành quỹ VinaCapital -VEOF và VinaCapital-VIBF của VinaCapital. (Ảnh: VinaCapital).

Vậy theo ông, đâu là những thách thức và trở ngại có thể tác động đến sự hồi phục của TTCK Việt Nam trong năm nay?

Ông Đinh Đức Minh:  Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Các dự báo đều cho thấy kinh tế thế giới có khả năng tăng trưởng chậm hơn trong năm 2023 do ảnh hưởng từ lãi suất tăng và lạm phát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, từ đó gây tác động lên thu nhập và khả năng chi tiêu của một số bộ phận dân cư.

Một rủi ro khác sẽ đến từ thị trường trái phiếu. VinaCapital ước tính có khoảng 16 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023, trong đó trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm khoảng 45%. Đây sẽ là áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh lãi suất cao và tâm lý người mua nhà có phần thận trọng.

Ngoài ra, vấn đề căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn chưa có hồi kết. Các xung đột và căng thẳng trong năm 2022 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Những diễn biến căng thẳng mới, nếu xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến TTCK. Tuy nhiên, rủi ro này rất khó dự báo.

Các quỹ đầu tư luôn khuyến nghị khách hàng cần đầu tư trong dài hạn để có cơ hội lợi nhuận tốt hơn. Vậy theo ông nền kinh tế có những triển vọng khả quan nào để nhà đầu tư cá nhân có thể tự tin và kiên trì hơn với khoản đầu tư của mình?

Ông Đinh Đức Minh:  Chúng ta đều biết rằng Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với tốc độ tăng GDP trung bình khoảng 6,5%/năm trong giai đoạn trước COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 ở mức 6,5%-7%/năm được Chính phủ đề ra tuy bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng hoàn toàn có thể duy trì trong giai đoạn 2023-2025.

Tăng trưởng kinh tế cao sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết. Khi các khó khăn và thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam được giải quyết, tăng trưởng EPS của TTCK nhiều khả năng sẽ quay lại mức hai con số.

Đầu tư hạ tầng vẫn là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm tới, sẽ tác động tích cực đến kinh tế trong dài hạn.

Bên cạnh đó, vào tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Trong đó, có nội dung quan trọng là khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán đang chạy thử hệ thống giao dịch mới KRX, kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về nâng hạng.

VinaCapital nhận định điểm sáng về kinh tế của Việt Nam trong 3-5 năm tới cùng triển vọng về nâng hạng thị trường sẽ là động lực quan trọng để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Đầu tư dài hạn cũng sẽ mang đến cho nhà đầu tư lợi nhuận tốt hơn bất chấp biến động của thị trường trong ngắn hạn. Đơn cử, lợi nhuận trung bình giai đoạn 2020-2022 của hai quỹ cổ phiếu của chúng tôi là VinaCapital -VESAF đạt 16,6%/năm, theo sau là  VinaCapital -VEOF với mức lợi nhuận 12,7%/năm, đều đạt hiệu suất vượt xa chỉ số tham chiếu VN-Index có mức tăng trung bình chỉ 1,6%/năm.

Quỹ cân bằng  VinaCapital -VIBF cũng ghi nhận lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 10,9%/năm, vượt trội so với chỉ số tham chiếu là 3,6%/năm. Quỹ trái phiếu  VinaCapital -VFF đạt mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 7,1%/năm, trong khi chỉ số tham chiếu đạt 5,3%/năm.

Chúng tôi cho rằng cả nền kinh tế lẫn TTCK Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tăng trưởng cao trong ít nhất 5 năm tới, và các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ không thể bỏ qua cơ hội này.

Hoàng Trung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.