|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giám đốc Công ty VTTC nói gì về việc kéo dài thời gian thoái vốn của TKV?

07:48 | 09/07/2019
Chia sẻ
(PLVN) - Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài phản ánh việc bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Vinacomin (VTTC) đã có đề nghị kéo dài việc thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tại công ty này, tạo kẽ hở cho nhóm lợi ích trục lợi trên số cổ phần còn lại của TKV, Công ty VTTC đã lên tiếng.
Giám đốc Công ty VTTC nói gì về việc kéo dài thời gian thoái vốn của TKV? - Ảnh 1.

Khách sạn Biển Đông của Công ty VTTC

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Công ty VTTC trước đây là một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TKV, được thành lập để đáp ứng nhu cầu đi tham quan, khỏa sát, du lịch và nghỉ ngơi của cán bộ, công nhân ngành than. Năm 2010, Công ty VTTC được cổ phần hóa và đến năm 2015 thì Tập đoàn TKV tiếp tục thoái vốn, chỉ còn giữ 36% vốn điều lệ của Công ty VTTC.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2006/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Tập đoàn TKV, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, TKV phải rút hết vốn nhà nước tại 16 công ty cổ phần, trong đó có Công ty VTTC. 

Ngày 3/5/2018, lãnh đạo Tập đoàn TKV đã có văn bản gửi người đại diện vốn nhà nước tại Công ty VTTC yêu cầu xây dựng phương án thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Công ty VTTC nói gì về việc kéo dài thời gian thoái vốn của TKV? - Ảnh 2.

Phương án bán đấu giá trọn gói, cả lô cổ phần trong năm 2018 mà ông Lê Quang Bình đã xây dựng nhưng không được thực hiện

Ngày 14/5/2018, người đại diện vốn nhà nước tại Công ty VTTC là ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT của Công ty VTTC đã có phương án thoái vốn tại VTTC gửi Tập đoàn TKV. 

Theo phương án thoái vốn mà ông Lê Quang Bình trình Tập đoàn TKV thì TKV sẽ bán hết 36% cổ phần tại Công ty VTTC, dự kiến thu về 25 tỷ đồng theo phương thức bán đấu giá công khai và được thực hiện trong năm 2018.

Tuy nhiên, ngày 1/8/2018, ông Lê Quang Bình thôi chức Chủ tịch HĐQT của Công ty VTTC. Ông Vũ Văn Long, Trưởng ban, Thành viên Ban quản lý vốn của TKV được điều động đến Công ty VTTC làm đại diện vốn của TKV tại doanh nghiệp này và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Quang Bình.

Chỉ ít ngày sau khi ông Vũ Văn Long giữ chức vụ này, phương án thoái vốn của TKV do ông Lê Quang Bình trình trước đó cũng ngay lập tức bị điều chỉnh.

Cụ thể, bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Công ty VTTC đã có văn bản gửi HĐQT nêu lý do: “Trong quá trình hoạt động, VTTC phát sinh một số mảng hoạt động vì mục tiêu chính trị - xã hội trong chương trình tái cơ cấu TKV dẫn đến thay đổi vị thế của VTTC với TKV”, nên giám đốc xây dựng lại phương án thoái vốn của TKV tại Công ty VTTC. 

Theo phương án mà bà Nguyễn Đoan Trang đề xuất thì việc thoái vốn của TKV sẽ kéo dài đến hết năm 2022, trái với quyết định số 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phương án chia nhỏ lô cổ phần của TKV để bán thành 2 giai đoạn, các chuyên gia đã cảnh báo đây là cách làm mất giá trị lô cổ phần này, vì mặc dù chỉ có 36% nhưng TKV vẫn là cổ đông lớn nhất và với số phiếu biểu quyết rất lớn này, TKV còn chi phối nhiều quyết định của Công ty VTTC. 

Nhưng, nếu giảm vốn xuống còn dưới 30% thì tiếng nói sẽ mất đi trọng lượng như trước.

Giám đốc Công ty VTTC nói gì về việc kéo dài thời gian thoái vốn của TKV? - Ảnh 3.

Phương án thoái vốn trái với Quyết định 2006/QĐ-TTg do bà Nguyễn Đoan Trang đề xuất

Về vấn đề này, trong “Thư ngỏ” gửi Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Đoan Trang cho rằng, TKV chỉ là một trong số hơn 200 cổ đông của công ty nên vấn đề chuyển nhượng cổ phần của cổ đông TKV là do cổ đông quyết định, Công ty VTTC không can thiệp vào vấn đề thoái vốn của TKV.

Sự thật thì đúng là TKV chỉ là một cổ đông của Công ty VTTC và theo quy định của pháp luật thì Công ty VTTC hoàn toàn không có quyền can thiệp vào việc thoái vốn của TKV tại doanh nghiệp này, đúng như lời bà Nguyễn Đoan Trang đã nói. 

Vậy, việc bà Nguyễn Đoan Trang gửi văn bản số 945 ngày 9/10/2018 với nội dung “báo cáo thay đổi phương án thoái vốn” là để nhằm mục đích gì và dù hoàn toàn không có quyền can thiệp vào việc thoái vốn của TKV thì tại sao Giám đốc Công ty VTTC lại đề nghị HĐQT thông qua “phương án” để người đại diện vốn của TKV báo cáo Tập đoàn chỉ đạo thực hiện?

Xin được nhắc lại, sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh sự việc này, ông Lê Quang Dũng, Phó TGĐ Tập đoàn TKV đã có văn bản khẳng định sẽ không thoái vốn theo phương án đề xuất nêu trong văn bản số 945 của bà Nguyễn Đoan Trang và TKV sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn theo thời hạn quy định trong Quyết định 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc không chia nhỏ cổ phần của TKV tại Công ty VTTC để bán là một quyết định đúng đắn để bảo toàn tài sản nhà nước. Bởi lẽ, như Báo Pháp luật Việt Nam dẫn ý kiến của các chuyên gia pháp luật thì việc chia nhỏ lô cổ phần của TKV và bán thành 2 giai đoạn như đề xuất của bà Nguyễn Đoan Trang sẽ làm mất giá trị của lô cổ phần này.

Vì ai cũng biết, nếu sở hữu lô cổ phần 36% thì chủ sở hữu sẽ có quyền lực khác hẳn với việc sở hữu lô cổ phần 29%.

Khi phương án chia nhỏ lô cổ phần của TKV không thực hiện được, vẫn còn cách để những người quản lý tại Công ty VTTC “thu nhỏ” lô cổ phần 36% của TKV chỉ còn 28% thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/4/2019, như những gì mà Báo Pháp luật Việt Nam đã cảnh báo.

Liệu Tập đoàn TKV có thể tiếp tục ngồi im nhìn tài sản nhà nước bị đe dọa qua những việc làm được gọi tên rất “hoành tráng” là tăng vốn để lấy tiền đầu tư?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Bình Minh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.