|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc công ty logistics mở sàn vận chuyển trực tuyến

06:50 | 08/12/2016
Chia sẻ
Nhằm kết nối cung cầu, gia tăng lợi nhuận cho chủ hàng và hãng xe, Phạm Tấn Đạt đầu tư 200 triệu đồng xây dựng mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên vận tải hàng hoá. 

Nhiều năm làm giám đốc một công ty vận tải và điều hành hệ sinh thái thương mại điện tử với 9 dự án thành viên, Đạt không ngừng trăn trở về chi phí logistics liên tục tăng nhưng hiệu suất dịch vụ không cao.

Chàng trai sinh năm 1986 nhận định, bất cập thường gặp nhất trong hoạt động logistics ở Việt Nam là nhiều doanh nghiệp chật vật tìm đơn vị uy tín, trong khi các hãng vận tải lại không có hàng để vận chuyển. Tỷ lệ xe tải không đủ khối lượng hàng lấp đầy trong mỗi chuyến hơn 60% cho thấy sự lãng phí rất lớn.

Tình trạng những chuyến xe tải chạy theo trục Bắc - Nam chỉ một lượt có hàng, nhưng doanh nghiệp phải trả phí khứ hồi cũng xảy ra thường xuyên.

"Thực tế này đòi hỏi cần phải có một đơn vị trung gian đứng ra liên kết, tập trung nhu cầu và phương tiện lại một mối nhằm tăng doanh thu cho hãng xe và giảm chi phí vận chuyển cho chủ hàng", Đạt chia sẻ về ý tưởng ra đời của Sanvanchuyen.

giam doc cong ty logistics mo san van chuyen truc tuyen
Nhóm thành viên chủ chốt của dự án Sanvanchuyen.

Sau hơn một năm nhen nhóm ý tưởng, Đạt cùng cộng sự quyết định rót 200 triệu đồng để xây dựng mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam.

Điểm nổi bật của mô hình này là khả năng định vị chính xác từng chặng trong lộ trình theo thời gian thực của từng chuyến xe, giúp doanh nghiệp chủ động tìm kiếm những chuyến xe phù hợp với mặt hàng, khối lượng hàng của mình. Để tăng cường hiệu quả quản lý chuyến hàng, doanh nghiệp cũng được hệ thống cập nhật thông tin liên tục về tình trạng hàng, thời gian giao nhận, chứng từ… thông qua phần mềm quản lý vận tải kết nối với thiết bị GPS.

Trong thời gian đầu, Đạt cam kết hỗ trợ miễn phí cho dịch vụ trung gian kết nối vì nhận thấy khả năng ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động kinh doanh tương đối kém, cộng thêm đây là mô hình mới nên sẽ mất không ít thời gian làm quen. Hiện Sanvanchuyen chỉ tính phí đối với các dịch vụ gia tăng như xác thực năng lực chủ xe, đảm bảo hàng hóa đến nơi nguyên vẹn và đúng thời gian.

Theo khảo sát của nhóm Đạt, chi phí doanh nghiệp phải trả khi tương tác với hãng vận tải thông qua mô hình sàn giao dịch trực tuyến có thể giảm hơn phân nửa so với hình thức vận chuyển truyền thống.

Khác biệt lớn nhất của Sanvanchuyen là xây dựng kho dữ liệu tương đối đầy đủ về các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên mọi tuyến đường nhằm tạo ra sự tối ưu cho khách hàng trong việc tìm kiếm chuyến xe. Chính vì vậy, dù mới vận hành chưa đầy nửa năm nhưng chàng trai này khá tự tin về dự án của mình khi đặt trong mặt bằng chung của ngành vận tải nội địa.

Hiện tại có 800 công ty vận tải, với 1.700 đầu xe đăng ký tham gia mô hình này. Trung bình mỗi tuần, sàn giao dịch của Đạt tiếp nhận hơn 150 đơn hàng vận chuyển khắp các tuyến đường lớn nhỏ trên cả nước và dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh vào đợt cao điểm cuối năm. Tuy chưa có đơn hàng xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp logistics đã ngỏ ý hợp tác khi nhóm bắt đầu triển khai dịch vụ này.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, Đạt cho biết anh cùng các cộng sự đều đồng thuận triển khai từng bước đi chắc chắn, không vội vã phát triển về quy mô và đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu.

“Hiện dự án chú trọng xây dựng nền tảng công nghệ, nâng cấp giao diện thân thiện nhằm mục đích tiếp cận càng nhiều công ty vận tải. Khi nào mô hình kết nối vận tải hàng hóa bằng đường bộ hoạt động ổn định, nhóm sẽ tính đến việc mở rộng thêm các loại hình đường sắt, đường biển và hàng không”, Đạt nói.

Phương Đông