|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng cuối năm?

07:15 | 23/07/2019
Chia sẻ
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% năm 2019...

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% năm 2019...

Các dự báo khác trong và ngoài nước gần đây cũng xoay quanh mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn đang chậm lại, cầu bên ngoài giảm sút thì việc xác định và tập trung để có được những chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm là hết sức cần thiết.

Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng cuối năm?  - Ảnh 1.

Tăng trưởng giảm tốc

Đà tăng trưởng chậm lại được thể hiện khá rõ trong quý II/2019 khi GDP chỉ tăng 6,71%, là mức tăng trưởng thấp nhất 8 quý trở lại đây. Hai ngành công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc. 

Trong khi đó một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và ngành xây dựng duy trì tăng trưởng ổn định cùng khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương đã giúp GDP không giảm sâu.

GDP nông nghiệp quý II chỉ tăng 1,03%, thấp hơn nhiều quý I cũng như cùng kỳ 2018. Các lý do chính khiến ngành nông nghiệp có tăng trưởng thấp bao gồm thời tiết và thị trường xuất khẩu không thuận lợi. 

Đơn cử, xuất khẩu gạo nửa đầu năm giảm -17,6%, trong đó Trung Quốc giảm nhập khẩu xuống chỉ còn 1/4 và Indonesia gần như ngưng nhập gạo của Việt Nam. 

Nếu như Indonesia có sản lượng và tồn kho lúa gạo trong nước đã đủ so với nhu cầu thì Trung Quốc giảm nhập gạo của Việt Nam nhưng lại tăng nhập từ quốc gia khác như Myanmar hay Cambodia.

GDP thủy sản quý II tăng 7,03%, xấp xỉ mức tăng của quý II/2018 (7,05%) và giúp tính chung 6 tháng tăng 6,45%, nhỉnh hơn 6 tháng 2018 là 6,41%. Tuy nhiên, nhiều số liệu khác cho thấy ngành thủy sản khó có thể tăng trưởng bằng hoặc vượt được cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm giảm -0,8% (trong khi cùng kỳ tăng 11,5%). Thị trường xuất khẩu chậm khiến giá cá tra và tôm cùng giảm, trong đó giá cá tra đã rớt xuống ~20 nghìn/kg, mức thấp nhất 3 năm, xấp xỉ và dưới giá thành sản xuất gây nhiều khó khăn cho người nuôi; giá tôm giảm xuống ~87 nghìn/kg, mức thấp nhất 9 tháng.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc ngay cả khi điện tử đã có cải thiện. GDP công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 10,9% trong quý II, thấp hơn so với quý I (11,5%). 

Công nghiệp điện tử có sự cải thiện nhất định nhưng sự giảm tốc của một số ngành công nghiệp vốn có tốc độ tăng trưởng cao như lọc hóa dầu (giảm xuống mức 69,1%, dù vẫn rất cao nhưng đã thấp hơn 3 tháng đầu năm là 96,7%), sản xuất xe có động cơ hay may mặc đã khiến GDP quý II tăng chậm lại.

Trong đó, may mặc tăng chậm lại là một vấn đề đáng lưu tâm. Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế để tăng tốc ngành dệt may, tuy vậy chỉ số công nghiệp may mặc lại liên tục giảm, từ 10,3% trong 3 tháng đầu năm xuống còn 8% trong 6 tháng. 

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may cũng giảm xuống 9,9%, thấp hơn quý I (10,8%) và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 16,4%.

Tuy nhiên khai khoáng quý II tăng 3,23%, kéo GDP khai khoáng 6 tháng tăng 1,78%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2016. Chủ yếu do khai thác than đá và quặng kim loại tăng cao. 

Với dự báo Elnino còn kéo dài, nhiều khả năng khai thác than sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong ít nhất quý III, từ đó có thể giúp ngành khai khoáng giữ được mức tăng trưởng dương.

Và những điểm nhấn cần tập trung

Nhìn sang các quý tiếp theo, khó khăn của ngành nông nghiệp cùng với các động lực đang giảm bớt khác như trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất xe có động cơ, may mặc… có khả năng sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung. 

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, có một số vấn đề cần lưu ý để có những chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đầu tiên là liên quan đến giải ngân đầu tư công. 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ (10,1%) nhờ đầu tư của khối tư nhân và khối FDI. 

Đầu tư từ khối nhà nước tăng thấp, 3% trong đó vốn từ ngân sách tăng 3,7% (cùng kỳ tăng 9,4%). Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách đến 15/6 mới đạt 26% kế hoạch năm cho thấy giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đang không chỉ gây lãng phí mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.

Vốn đầu tư công hiện chiếm khoảng 31% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, do đó nếu giải ngân chậm sẽ hệ lụy sang cả vốn ODA, vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài và qua đó tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề cần lưu ý tiếp theo là kiểm soát nhập khẩu. Như số liệu cho thấy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang tăng rất nhanh, gấp 5 lần cùng kỳ lên 1,7 tỷ USD và làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước.

“Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ song song với các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng không chỉ với ô tô mà còn với nhiều mặt hàng công nghiệp có thể tự sản xuất trong nước. 

Xu hướng bảo hộ và thương mại công bằng cần được vận dụng, đặc biệt là với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam như nhóm nước ASEAN”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, thuộc Công ty SSI khuyến nghị.

Ngoài ra, trong bối cảnh các NHTW thế giới đều đang tính đến việc giảm lãi suất để kích thích kinh tế, nhưng Việt Nam cần rất tỉnh táo để tránh lặp lại hệ lụy do nới lỏng tiền tệ.

“Đầu tư công và bảo hộ chính là hai biện pháp kích cầu mà không cần phải nới lỏng tiền tệ. Trong khi các lựa chọn đó chưa được sử dụng thì việc nới lỏng tiền tệ là không cần thiết nhằm giữ lại một dư địa chính sách nhất định để đối phó với những diễn biến thế giới rất khó lường trong tương lai”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nêu quan điểm.

Thư Kỳ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.