|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giải pháp nào để niềm tin NĐT trở lại khi hơn một nửa số cổ phiếu mất trên 70% từ đỉnh?

10:02 | 17/11/2022
Chia sẻ
Theo nhóm phân tích của FiinTrade, ngoài những yếu tố vĩ mô đang có tác động đến thị trường như lãi suất tăng cao, sự bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dòng tiền đang bị tắc nghẽn… nguyên nhân các cổ phiếu giảm mạnh trong những ngày qua chủ yếu do bị bán giải chấp và mất thanh khoản.

Thị trường lao dốc, nhiều cổ phiếu liên tục giảm sàn

Thống kê của FiinTrade cho thấy, 54,6% mã cổ phiếu có thanh khoản trên thị trường hiện đã giảm trên 70% so với mức đỉnh thiết lập trong hai năm nhịp tăng (uptrend) vừa qua.

Nhóm tài nguyên cơ bản giảm mạnh nhất khi 71,4% cổ phiếu trong ngành có mức giảm giá trên 70% so với đỉnh hai năm gần đây. Theo sau đó là dịch vụ tài chính (chứng khoán), bất động sản, vật liệu xây dựng đều có hơn 60% mã cổ phiếu có mức giảm trên 70% với nhiều cái tên từng dậy sóng như CEO, DIG, DXG, NLG, SZC.

 Nguồn: FiinPro Platform.

Theo nhóm phân tích của FiinTrade, ngoài những yếu tố vĩ mô đang có tác động đến thị trường như lãi suất tăng cao, sự bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dòng tiền đang bị tắc nghẽn… nguyên nhân các cổ phiếu giảm mạnh trong những ngày qua chủ yếu do bị bán giải chấp và mất thanh khoản dẫn đến tình trạng call margin chéo – hiện tượng các mã chứng khoán chạm ngưỡng rủi ro nhưng không thể bán, công ty chứng khoán buộc phải bán các mã còn lại trong danh mục của nhà đầu tư để hút tiền về.

Làn sóng bán giải chấp thuộc sở hữu của lãnh đạo  khởi phát từ cuối tháng trước và đang tiếp tục lan rộng.

Niềm tin của nhà đầu tư đang suy yếu dần?

Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính chất cận biên vì vậy phần lớn các nhà đầu tư thuộc nhóm nhà đầu tư cá nhân (chiếm tỷ trọng khoảng 85%), trong khi các quỹ đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ. Điều này khiến tâm lý ảnh hưởng mang tính chất nhỏ lẻ và giao dịch mua bán thường chịu biến động mạnh trong tâm lý. 

Thống kê cho thấy, tuần vừa qua nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng mạnh qua kênh khớp lệnh với quy mô 5.170 tỷ, lớn nhất kể từ tháng 4/2022 ở tất cả các nhóm ngành, trong đó hoạt động rút vốn tập trung ở nhóm bất động sản, hóa Chất, ngân hàng và thực phẩm.

Mặc dù chỉ mới đi qua nửa tháng 11, tính đến hiện tại đây là tháng bán ròng mạnh nhất của NĐT cá nhân trong vòng 2 năm qua. Cùng thời điểm 2021, dòng tiền mua ròng của NĐT cá nhân là nhân tố hỗ trợ VN-Index thiết lập các đỉnh mới. Tuy nhiên dòng tiền này đã thu hẹp dần từ đầu 2022 và đến tháng 11 bắt đầu xuất hiện lực bán ròng mạnh.

Cùng với sự chuyển hướng bán ròng trong giao dịch của NĐT cá nhân, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục sụt giảm.

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường chứng khoán Việt Nam đón thêm 96.601 tài khoản giao dịch chứng khoán mới trong tháng 10 , đưa tổng số tài khoản trên thị trường lên 6.709.181 tài khoản. Tính từ đầu năm thị trường có thêm gần 2,4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán mới. 

Quan sát tại các tháng trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 5 tháng liên tiếp ghi nhận số tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm. Số tài khoản mới dưới ngưỡng 100.000 đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. 

 Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Đâu là giải pháp cho bài toán tắc nghẽn thanh khoản?

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 11, ACBS đánh giá, P/E trung bình của các thị trường ASEAN giảm xuống 13,8 lần từ 14,3 lần của tháng trước, trong khi VN-Index giảm sâu hơn từ 12,2 xuống 10,7 đưa định giá về mức hấp dẫn hơn so với các thị trường ngang hàng và đem đến mức giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm, dòng tiền chưa có dấu hiệu quay lại bất chấp các triển vọng dài hạn tích cực của thị trường. Thanh khoản đã về mức thấp nhất trong 2 năm qua, hiện tại chỉ quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giai đoạn nửa cuối tháng 11/2020.

Lý giải về hiện tượng thanh khoản sụt giảm trên thị trường vốn hiện tại, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư của IPAAM cho rằng, thanh khoản chưa phải là quá cạn kiệt. Dù vậy, khi kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10, vòng quay tài sản chậm lại, dẫn đến thanh khoản có một cú hẫng.

Chuyên gia cho rằng vấn đề hiện tại của thị trường vốn là niềm tin của nhà đầu tư đang bị lung lay do những lo ngại về rủi ro mất vốn. Một số quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu khi có hiện tượng rút vốn hoặc bán tài sản của nhà đầu tư cá nhân, nhưng không tổ chức nào, ngay cả ngân hàng, có thể đỡ thanh khoản khi bị rút vốn ồ ạt.

Theo ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, PVI AM, giải pháp tốt nhất hiện nay cho bài toán thanh khoản là minh bạch thông tin. Các chủ thể đầu tư trên thị trường, gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành cần ngồi lại, nhìn nhận đúng vấn đề, có thể có các biện pháp giãn kế hoạch thanh toán, tránh việc bán tháo cắt lỗ các tài sản.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường. Cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng là cần có lăng kính quan sát đúng đắn để đối diện với vấn đề. 

Bà Hương bay tỏ, “sự màu nhiệm nhất của cuộc đời là thay đổi và cần phải thay đổi để đối diện. Ở mỗi điều kiện phát triển của thị trường bao giờ cũng cho ta những bài học, chúng ta không tránh khỏi việc mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là chúng ta ứng xử và hành động như thế nào. Để giúp thị trường khôi phục niềm tin thì từng thành viên trong thị trường phải nỗ lực và có hành động phù hợp".

Thu Thảo