|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải pháp nào cho ngành nuôi cá tra phát triển?

14:30 | 11/12/2016
Chia sẻ
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Thiếu nguyên liệu

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), diện tích nuôi cá tra từ tháng 10 đã tăng trở lại. Sau 10 tháng, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thả nuôi 5.352 ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 996.000 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra liên tục tăng mạnh, ở mức 22.200-22.500 đồng/kg.

Mặc dù vậy, theo dự báo của VASEP, các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới. Cũng theo đơn vị này thì hết tháng 9/2016, tổng sản lượng cá tra thu hoạch của vùng ĐBSCL đã đạt 860.900 tấn. Dự kiến trong quý 4 năm nay chỉ còn chưa đầy 300.000 tấn cá nguyên liệu. Như vậy, khả năng, các doanh nghiệp cá tra sẽ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán, có thể từ nay đến hết tháng 2/2017, lượng cá tra nuôi tại ĐBSCL không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Do nguồn cung thiếu nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng giá thu mua nhưng vẫn không có nguồn cung. Theo VASEP, do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11 này, các nhà máy chế biến sẽ phải giảm công suất khoảng 30% so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường từ tháng này trở đi dự báo tăng từ 40% mới có thể đáp ứng được mục tiêu đã đề ra trong năm. Đó cũng là lý do mà mục tiêu đến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt từ 2-2,3 tỷ USD khó thực hiện được.

Thực trạng này một lần nữa báo động về những bất ổn trong ngành hàng xuất khẩu được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là vấn đề bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng với thị trường.

giai phap nao cho nganh nuoi ca tra phat trien

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo thiếu nguyên liệu cá tra trong thời gian tới.

Và thiếu cả việc xây dựng thương hiệu

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại khoảng 20% là của hộ nuôi. Tương ứng với đó, sản lượng thu hoạch cá tra của doanh nghiệp chiếm 84%, còn lại là 16% của hộ nuôi. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, hộ nuôi có thể yên tâm về đầu ra của nguyên liệu và lãi cao hay thấp tùy vào năng lực quản lý kỹ thuật của nông hộ. Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay chưa thực sự bền vững vì sau khi thu hoạch xong, doanh nghiệp có thể không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, để ngành cá phát triển bền vững, đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Do vậy, cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra ở tất cả các phân khúc từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến đến các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp hiện nay chưa làm được như nghiên cứu về giống, bảo vệ giống - gien, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành cá tra, phát triển các liên kết dọc. Chuỗi ngành đi từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ cuối cùng là bán lẻ đến người tiêu dùng. Chú ý đến chất lượng, quản trị doanh nghiệp… cùng với các ngành liên quan hay các hoạt động dịch vụ hỗ trợ.

Theo đại diện của Bộ NN-PTNT , ngành cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường. Trong đó, tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi VietGAP và các chứng nhận nuôi quốc tế. Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,39 tỷ USD, tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ và Trung Quốc là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra thời điểm này. 2 thị trường này đã chiếm 39,9% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này cho đến hết tháng 10/2016 vẫn còn khả quan, xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,7%; sang Trung Quốc tăng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã đạt 235,5 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày một thu hẹp. Nhiều dự đoán cho rằng, năm 2017, Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Vân Lam

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.