|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải pháp để giá xăng giảm, giá hàng hoá giảm theo

11:18 | 19/08/2022
Chia sẻ
Đã gần 2 tháng kể từ khi giá xăng lập kỷ lục và bắt đầu giảm giá liên tiếp, tuy nhiên, so với giá cả tại thời điểm giá xăng dầu ở mức cao, giá cả hiện tại vẫn "giậm chân tại chỗ" hoặc "rục rịch" giảm nhẹ.

Mặc dù, so với thời điểm giá cao kỷ lục, giá xăng đã giảm khoảng 10.000 đồng/lít, tương đương mức giảm tới 20%, tuy nhiên hiện mới chỉ có một số đơn vị kinh doanh vận tải "rục rịch" giảm giá cước chứ giá cả hàng hoá nói chung đã tạo mặt bằng giá mới.

Theo khảo sát, mức giá cước taxi truyền thống tại Hà Nội hiện dao động trong khoảng 15.000 đồng/Km, còn với các ứng dụng đặt xe, giá cước cũng dao động trong khoảng 13.000 - 16.000 đồng/Km.

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng hiện đã có 2 hãng taxi của Hà Nội là Thanh Nga và Vạn Xuân đã giảm giá cước. Một số doanh nghiệp khác đang kê khai giá cước mới để gửi Sở GTVT TP Hà Nội.

Tới đây, sau khi điều chỉnh, mức giá mới sẽ còn từ 14.000 - 14.500 đồng/km, giảm khoảng 7%, gần tương đương với mức giá cước đã tăng, trong khi giá xăng thời điểm này còn ở mức 24.600 đồng/lít (cao hơn 7% so với giá xăng thời điểm các doanh nghiệp taxi đề xuất tăng giá).

Còn tại TP HCM, Vinasun vừa đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km sau khi giá xăng dầu giảm, trước đó khi giá xăng dầu tăng, hãng đã tăng giá cước 600 đồng/Km. Đại diện Mai Linh thì cho biết, hãng không giảm giá cước do thời điểm xăng tăng nhưng đơn vị không tăng giá mà vẫn giữ nguyên giá như hiện nay. 

Cần có "bàn tay vô hình" điều tiết thị trường

Lý giải về sự chậm trễ trong việc giảm giá cước, ông Hùng cho biết mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới.

Tổng mức phí để thực hiện điều chỉnh giá cước mỗi lần là 150.000 đồng/xe chưa kể thời gian thực hiện các thủ tục kê khai giá cước mới. Do đó các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có "độ trễ" nhất định sau các đợt giảm giá xăng dầu.

Grab cho biết điều chỉnh giá cước vào tháng 3/2022 và giữ nguyên đến thời điểm hiện tại. (Ảnh chụp màn hình)

Bình luận về tình trạng này, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thời cơ tốt nhất để giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu là từ 3-4 tháng trước chứ không phải đến bây giờ mới giảm.

"Bởi chắc chắn khi thị trường đã tạo mặt bằng giá mới thì 'tăng dễ, giảm khó' là điều tất yếu”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng cho rằng, giá cả là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình.

Với cơ quan quản lý, cần có bàn tay vô hình kiểm soát giá cả các mặt hàng bất thường, can thiệp những lúc cần thiết. Như Malaysia, Singapore vừa rồi giá thịt gà có vấn đề thì lập tức phải có giá trần.

"Giá trần không phải là vĩnh viễn mà phải có thời gian để những người lợi dụng tỉnh ngộ lại, phục vụ cho người tiêu dùng tốt hơn và đừng vượt quá giới hạn", ông Phú cho hay.

Dự báo chính xác để tránh phản ứng chính sách chậm hơn thị trường 

Liên quan đến công tác điều hành giá cả, Bộ Tài chính hiện đã đưa ra dự thảo Luật Giá (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi lấy ý kiến người dân và các bộ, ngành có liên quan, Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022.

Theo Bộ Tài chính, việc tổng hợp, phân tích, dự báo về giá sẽ làm cơ sở cho các cấp thẩm quyền và Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra kịch bản điều hành cũng như đưa ra các chính sách, biện pháp bình ổn giá thị trường.

Tại Luật Giá (sửa đổi) đã có 1 chương về tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; trong đó có 1 điều quy định về kịch bản điều hành giá.

Dự thảo Luật nêu rõ: “Kịch bản điều hành giá là dự báo về diễn biến lạm phát và các giải pháp, biện pháp điều hành giá trong một giai đoạn nhất định. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá hàng quý để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp”. 

 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính (Ảnh: Nganhangvietnam).

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giá cả tăng cao, không phù hợp với mục đích kiểm soát giá cả của Chính phủ một phần là do khâu dự báo giá cả thị trường.

Nếu dự báo được đúng thời điểm cần ban hành chính sách sẽ giúp công tác điều hành quản lý, giá cả hiệu quả hơn. Khâu dự báo có vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý, điều hành giá, việc dự báo sát tình hình thị trường sẽ khiến các cơ quan quản lý chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành,ông Long nhìn nhận. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Tài chính - cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm rất tốt điều này.

Do đó, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định rõ hơn, chế tài chặt hơn đối với trách nhiệm báo cáo, dự báo của các bộ, ngành, địa phương, để kịp thời báo cáo tổng hợp trình Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là khi giá cả có biến động bất thường, ảnh hưởng tới đời sống người dân. 

Hạ An