|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân một đồng đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân có tăng 1,62 đồng như kỳ vọng?

14:26 | 21/12/2023
Chia sẻ
Được kỳ vọng sẽ kéo theo đầu tư tư nhân, thúc đẩy các ngành nghề lĩnh vực có liên quan nhưng trong năm nay dù cho số vốn đầu tư công giải ngân ra nền kinh tế lớn chưa từng có nhưng đầu tư tư nhân vẫn giảm sút.

Đối với kinh tế Việt Nam, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan toả tới tăng trưởng kinh tế.

"Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm %",TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê từng chia sẻ với TTXVN vào tháng 6.

Tuy nhiên trên thực tế trong năm nay, mặc dù, giải ngân vốn đầu tư công đã hơn hẳn các năm trước về giá trị và tốc độ giải ngân song đầu tư tư nhân vẫn giảm sút rất mạnh.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt gần 550.000 tỷ đồng, tương ứng 75% kế hoạch và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư tư nhân đăng ký trong 11 tháng đầu năm lại giảm 7,9%,chỉ đạt 1.366 nghìn tỷ đồng.

Thông thường vốn đầu tư công tăng vốn đầu tư tư nhân sẽ tăng theo tuy nhiên năm nay vốn đầu tư công tăng rất mạnh, vốn đầu tư tư nhân lại giảm. (Nguồn: Tổng cục Thống kê - Hạ An tổng hợp).

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2023 là 3.151 nghìn tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp tăng vốn gần 1.784 nghìn tỷ đồng, giảm 40,1%. 

Hai nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh

Lý giải về tình trạng này, Chuyên gia Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng thông thường đầu tư công sẽ kéo theo đầu tư tư nhân. Điển hình là việc Chính phủ thực hiện các dự án cảng biển, sân bay hay đường cao tốc sẽ giúp cho cơ cở hạ tầng của địa phương tốt lên từ đó thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, xây nhà máy.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ thị trường trong nước đến thị trường nước ngoài đều gặp khó dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều đang gặp khó dẫn đến đầu tư tư nhân giảm sút dù đầu tư công có được đẩy mạnh

Ông chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến dòng vốn đầu tư tư nhân giảm mạnh. Nguyên nhân đầu tiên là doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn về đầu ra. Khi không bán được hàng, không có thị trường thì tất nhiên sẽ không có nhu cầu đầu tư hay mở rộng sản xuất.

"Khó khăn lớn nhất của khu vực tư nhân là đầu ra, vì vậy dù cơ sở hạ tầng có tốt thế nào thì họ cũng chưa thể thực hiện đầu tư ngay được", chuyên gia lý giải.

Vì vậy, việc cải thiện cơ sở hạ tầng của Chính phủ được kỳ vọng có thể giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân trong tương lai còn hiện tại thì khó có thể thúc đẩy đầu tư của khu vực này.

Chuyên gia Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Cùng với đó, đầu tư tư nhân còn gặp một số cản trở như môi trường kinh doanh trong nước xấu đi, lãi suất cho vay còn cao, việc tiếp cận vốn trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều gặp khó.

Đầu tư tư nhân trì trệ chủ yếu do lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất lên tới hai con số chứ không phải 6 - 7%. Mức lãi suất thấp chỉ là một số trường hợp cá biệt còn gần 90% doanh nghiệp vẫn đang chịu mức lãi suất trên 10%.

Doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn do chất lượng tài sản đảm bảo giảm sút do sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp kém đi sau đại dịch và cú sập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tạo nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp cũng rất khó khăn.

"Đầu ra khó khăn, niềm tin giảm sút đó là lý do khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh trong các năm gần đây", chuyên gia đánh giá.

Đầu tư công khó "kéo" đầu tư tư nhân

 

Năm 2023, tỷ lệ chi cho đầu tư công của Việt Nam cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công/GDP theo kế hoạch của Việt Nam đạt trên 7%, trong khi Indonesia chỉ khoảng 3%, Ấn Độ 4% và cả Trung Quốc, một quốc gia đầu tư rất mạnh vào hạ tầng cũng chỉ ở mức khoảng 5%.

 

Tỷ lệ giải ngân/GDP của Việt Nam luôn giữ ở mức hàng đầu trong khu vực. (Nguồn: SSI Research).

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu khu vực, đây là điểm rất tích cực đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả đạt được trong năm 2023, một số chuyên gia đánh giá đầu tư công vẫn chưa đạt được mục tiêu là "liều thuốc" kích thích tiêu dùng, qua đó tháo gỡ khó khăn về thị trường cho nền kinh tế. 

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Hạ An).

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đồng tình quan điểm cho rằng đầu tư công là một trong những yếu tố được kỳ vọng nhất có thể thúc đẩy tăng trưởng bởi dòng vốn này được kỳ vọng sẽ kéo theo đầu tư tư nhân, thúc đẩy các ngành nghề lĩnh vực có liên quan.

Tuy nhiên, thực trạng đầu tư công tăng cao nhưng nhưng đầu tư tư nhân lại tăng trưởng rất thấp trong năm qua cho thấy rằng sự tác động này chưa mạnh. Những tác động từ đầu tư công vàothị trường lao động hay tổng cầu, không tạo ra sự thay đổi rõ nét như kỳ vọng"

Theo ông Cung, việc đẩy mạnh đầu tư công nhưng chưa có sự đột phá về khối lượng dẫn đến những tác động vào thị trường lao động làm tăng công ăn việc làm, kích thích tiêu dùng đều chưa đạt mục tiêu.

Tình hình thực tế hiện nay, lao động bị cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm sút dẫn đến tổng cầu suy giảm. Đầu tư tư nhân cũng ảm đạm do lãi suất cao, môi trường rủi ro, tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Đây là những vấn đề rất lớn của nền kinh tế, ông cho hay.

Vì vậy, theo chuyên gia, bên cạnh chính sách tiền tệ cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công và các chính sách tài khoá khác như giảm thuế, phí tạo động lực làm tăng tổng cầu từ đó tháo gỡ một phần đầu ra cho doanh nghiệp. Có đầu ra, nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân sẽ tự động tăng lên.

Hạ An