|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VPBankS: Đầu tư công, FDI thường được đẩy mạnh vào cuối năm, tăng trưởng GDP 2023 có thể đạt 5,6%

16:59 | 08/12/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VPBank, vốn đầu tư công và FDI thường được đẩy mạnh vào vào cuối năm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dự báo năm nay tăng trưởng GDP có thể đạt 5,6% thay vì chỉ 5% như một số nhận định.

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt 5,59%. Mức dự báo cao hơn con số 5% mà một số tổ chức đưa ra là do đầu tư công và đầu tư nước ngoài thường có tốc độ tăng trưởng nhanh vào các tháng cuối năm.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư công giải ngân đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Không chỉ vậy, vốn FDI đăng ký tính đến ngày 20/11 cũng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vốn FDI thực hiện ước đạt 20,2 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong vòng 5 năm qua. Nếu cứ duy trì được đà tăng này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Đối với năm 2024, VPBankS dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,45% khi đầu tư công được thúc đẩy hơn vào năm 2024, nhu cầu sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng bán lẻ phục hồi hơn.

Về tăng trưởng tín dụng, mặc dù kết thúc quý II tăng trưởng tín dụng không đạt cao nhưng sang quý IV tăng rất nhanh. Tính đến ngày 23/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,39%. Như vậy, chỉ trong một tuần tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 90.625 tỷ đồng và trong cả tháng 11 là hơn 200.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia từ VPBankS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 có thể đạt 11,7% trong kịch bản lạc quan, và 9,6% nếu theo kịch bản thận trọng. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12,36% do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam vốn đã cao (khoảng 125%) nhưng  sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 - 2024 để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, báo cáo phân tích.

Dù vậy, chuyên gia cho hay tín dụng/GDP cao hơn cho thấy mức nợ trong nền kinh tế tương đối cao so với tổng sản lượng kinh tế. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động vay và cho vay trong nền kinh tế đang gia tăng. Mức nợ quá cao cũng có thể gây ra rủi ro, đặc biệt là khó khăn trong việc trả nợ.

Bên cạnh đó, sự nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật bản được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đây sẽ là động lực quan trọng với kinh tế Việt Nam.

Báo cáo cũng lưu ý, nền kinh tế thế giới đang phục hồi dần sau chu kỳ tăng lãi suất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Việt Nam đang là nước xuất siêu và có lợi thế về chi phí nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn quốc tế mới như hoạt động ESG sẽ là yếu tố Việt Nam cần lưu ý để thu hút FDI trong tương lai.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).