Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6,5%
Trong báo cáo chiến lược năm mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã qua, kinh tế tiếp tục phục hồi trong năm 2024 với mức tăng trưởng ước tính khoảng 6,5%.
"Xuất khẩu sẽ quay trở lại là động lực chính cho tăng trưởng. Yếu tố tác động tiêu cực đến nhu cầu đơn hàng xuất khẩu là chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho đã dần đi vào hồi kết. Ngoài ra, sự phục hồi của nhu cầu đối với mặt hàng công nghệ sẽ được hỗ trợ bởi chu kỳ thay thế thiết bị điện tử gắn liền với sự gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo", báo cáo nêu.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự kiến suy giảm so với năm 2023 khiến VDSC không quá lạc quan về mức độ phục hồi của nhu cầu thế giới.
Về thị trường bất động sản, nhóm phân tích dự báo ảnh hưởng tiêu cực của chu kỳ đi xuống lĩnh vực bất động sản được hạn chế. Lĩnh vực bất động sản ước giảm 1% trong năm 2023, mức sụt giảm tương tự năm 2012.
"Năm 2024, chúng tôi cho rằng lĩnh vực bất động sản vẫn còn ‘loay hoay’ ở vùng đáy của chu kỳ, tuy nhiên hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, xây dựng và tiêu dùng sẽ thể hiện sự bền bỉ hơn chu kỳ suy giảm trước", VDSC cho hay.
Công ty chứng khoán này đồng thời dự báo năm 2024 sẽ là năm cảm nhận tác động trễ của chính sách tài khóa và tiền tệ.
Niềm tin tiêu dùng, đầu tư hưởng lợi từ độ trễ của chính sách. Việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ giúp tác động của chính sách đến lãi suất cho vay rõ ràng hơn trong năm 2024. Hầu hết các chính sách hỗ trợ như giảm thuế VAT, cho phép cơ cấu thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đều sẽ được duy trì ít nhất trong nửa đầu năm sau.
Tính đến cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động giảm từ 2,5-3 điểm %, về mức thấp của giai đoạn COVID. Tuy vậy, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa rõ nét trong năm 2023 do bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, các kênh tài sản và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, và lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.
Trong năm 2024, dư địa để cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế, vì vậy, VDSC trông đợi vào "hiệu ứng tác động trễ" của chính sách tiền tệ sẽ rõ ràng hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu chi tiêu và đầu tư.
Mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn phục hồi và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dồn vào cuối năm 2024 có thể dẫn đến việc cạnh tranh lãi suất. Ngoài ra, việc tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công cũng có thể khiến lãi suất huy động tăng nhẹ khi tồn dư ngân sách giảm, nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng.
Theo VDSC, chính sách cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ cuối tháng 4/2023 (Thông tư 02/2023) đã góp phần "làm mềm" xu hướng tăng của nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng cho ngân hàng. Tính đến ngày 31/10, quy mô nợ cơ cấu lại là 159.000 tỷ đồng (khoảng 1,2% tổng dư nợ).
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng dành cho nhà phát triển BĐS trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn sẽ dồn rủi ro nợ xấu của lĩnh vực này về tương lai.
Nhóm phân tích cũng cho rằng nợ xấu sẽ tăng trở lại nếu người vay/doanh nghiệp đi vay không thể thực hiện nghĩa vụ nợ vào nửa sau năm 2024. Theo đó, chính sách kéo dài thời hạn của thông tư 02/2023 có thể được NHNN cân nhắc trong quý II/2024.