|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường'

12:30 | 21/02/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho rằng đã là nhà sản xuất, kinh doanh nên rất chạnh lòng khi thấy giải cứu nông sản. Ông cho rằng cần hướng vào nền sản xuất kinh tế thị trường.

Sáng 21/2, Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Ngay sau bài phát biểu của 3 bộ, Thủ tướng yêu cầu dừng lại và lắng nghe ngay bài phát biểu của đại diện các doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh, chính các doanh nghiệp là người làm nên biết đâu là khó khăn, đâu là thế mạnh cần phát huy. Các bộ ngành cần lắng nghe doanh nghiệp trước rồi đưa ra giải pháp. Do vậy, lần lượt đại diện các doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp nhưu Thaco, TH, Dabaco, Lavifood, Lộc Trời… được mời phát biểu.

Chạnh lòng về giải cứu nông sản

Phát biểu đầu tiên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, cho rằng xã hội cần phải đánh giá đúng về vị trí của ngành nông nghiệp. Không nên coi nông nghiệp là nghèo nàn, là thấp kém, mà đây là lĩnh vực rất tiềm năng, có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế trong tương lai.

Ông tự coi mình là “người nông dân” đi làm nông nghiệp và cho rằng chạnh lòng khi chứng kiến một số tổ chức giải cứu nông sản thời gian vừa qua. Ông nhấn mạnh, nếu là một nhà kinh doanh mà phải đi kêu gọi giải cứu thì không phải là nhà doanh nghiệp.

‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường' - Ảnh 1.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco. Ảnh: Hoàng Hà.

“Dán băng rôn đi bán cái này, giải cứu cái kia làm mất đi nhuệ khí, mất trạng thái tự do, mất tinh thần đi đúng vào nền sản xuất kinh tế thị trường”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, nông nghiệp được coi là một ngành kinh doanh. Ở đó có một chuỗi cung ứng là người trồng, người chế biến, người vận chuyển, người bán… Phải coi nông nghiệp là một ngành sản xuất hàng hóa, một ngành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường.

Trong khi đó, ông nhận định hiện nay, khâu sản xuất và phân phối chưa có người cầm trịch, chưa có người chịu tránh nhiệm với nền kinh tế và xã hội.

“Nếu trong chuỗi sản xuất, nhà doanh nghiệp lớn, thì đương nhiên phải bảo vệ đối tác trong chuỗi giá trị của mình. Nông dân làm cho chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ”, ông nói.

Về đề xuất của mình, ông Dương cho rằng Chính phủ cần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, dựa vào thị trường phân phối tập trung.

Sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa.

Ông cũng đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh và khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nông sản hữu cơ như chuối, thanh long, xoài… có thời gian bảo quản cao gấp nhiều lần hàng thông thường. Do đó, có thể xuất đi nhiều thị trường, bằng nhiều hình thức vận chuyển khác nhau.

Về chế biến, ông Dương nhấn mạnh cần phải tính toán chế biến gắn với vùng trồng. Không phải nông sản nào cũng cần chế biến sâu, mà cần công nghệ bảo quản, sơ chế nhất định. Cần phải có giải pháp căn cơ, từng bước chuyển đổi việc trồng gắn với chế biến nông sản.

Công nghệ cao là chìa khóa vàng

Góp ý tại hội nghị, bà Thái Hương, Chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn TH, khẳng định khoa học công nghệ và công nghệ cao là chìa khóa vàng cho nông nghiệp Việt Nam. Chính phủ cần thúc đẩy, kết nối nông dân để tạo ra hợp tác xã công nghệ cao.

Theo bà Thái Hương, nền nông nghiệp Việt Nam gồm 3 khâu: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Muốn sản xuất hàng hóa gì, phải xuất phát từ thị trường. Bà đề xuất nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ; sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, đúng thông lệ quốc tế.

‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường' - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Đình Tùng.

Hiệp hội chế biến rau quả thì cho biết mặt hàng này của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, bị giành thị phần. Một số nước lân cận đã đẩy mạnh trồng những loại cây vốn Việt Nam có thế mạnh như chuối, ớt, thanh long, sầu riêng, nhãn, xoài…

Trong khi đó, công nghệ chế biến sâu rau quả của các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia… ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao của thế giới với các sản phẩm mới. Song song đó, các nước này cũng xây dựng thương hiệu mạnh nổi tiếng thế giới như sầu riêng Musang King của Malaysia, Mong Thong của Thái Lan… Ngoài ra, họ còn phát triển và thâu tóm các hệ thống phân phối trên khắp thế giới để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Công suất chế biến khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt 56,2% do thiếu vùng trồng nguyên liệu, thiếu vốn thu mua, thị trường tiêu thụ còn hạn chế.

Hiệp hội đề xuất Chính phủ nên ưu tiên đầu tư vốn vay, đầu tư vào trồng trọt và xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại mang tầm vóc quốc gia, khu vực bằng những chính sách linh động khi hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang châu Âu. Cần thu hút nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Israel...

Sẵn sàng thế chấp mọi thứ để làm nông nghiệp

Cũng tại hội nghị, khó khăn về vốn được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội nêu ra. Ông Trần Bá Dương cho rằng khi vay vốn làm nông nghiệp thì nhiều ngân hàng e ngại do lo lắng đến những rủi ro trong linh vực này. Tuy nhiên, ông khẳng định nông nghiệp sẽ an toàn nếu biết làm đúng cách.

“Làm nông nghiệp mà thua lỗ thì gia đình chúng tôi mất tiền trước. Tôi sẵn sàng thế chấp mọi thứ và ao ước được làm nông nghiệp”, ông nói.

‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường' - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đình Tùng.

Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam Đoàn Xuân Hòa cũng cho rằng doanh nghiệp khó liên kết với nông dân để sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng như của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng cho vay là hộ nông dân chiếm đến 98% dư nợ, phần vay theo chênh lệch lãi suất (đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp) chỉ chiếm 2%.

Sở dĩ có điều này là do lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện nay là 8,55%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích các doanh nghiêp đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Đại diện Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam đề xuất đối với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, cần thực hiện liên kết sản xuất xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua sắm các máy móc, thiết bị cơ giới hóa sản xuất nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hiếu Công - Văn Hưng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.