Hà Nội 13 °C | 05:36PM, 13/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Giải cứu' mãi đến bao giờ!

21:06 | 18/02/2020
Chia sẻ
Xoay quanh câu chuyện giải cứu thanh long, dưa hấu, tại cuộc họp với Bộ Công thương mới đây, đại diện một số siêu thị phản ánh là đã không còn nông sản để 'giải cứu' nữa. Trong khi thực tế không ít nhà vườn vẫn đau đầu khi nông sản còn tồn đọng quá nhiều, không biết tiêu thụ ở đâu. Vậy thực chất vấn đề nằm ở đâu?
'Giải cứu' mãi đến bao giờ! - Ảnh 1.

Phải có những giải pháp lâu dài, bền vững để không còn xảy ra tình trạng giải cứu nông sản thường xuyên như bây giờ. Dưa hấu được giải cứu tại một điểm trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart), cho biết hệ thống này tiêu thụ nông sản khá nhiều. Khi nghe thông tin nông sản ùn ứ, cần giải cứu họ đã liên lạc với đơn vị cung cấp nhưng lại không có hàng. 

Do đó, bà đề xuất, cần làm rõ "tháng nào có trái gì, sản lượng và giá" để các siêu thị nắm bắt". Bà Thuỷ tái khẳng định chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, trong đó lỗ cả chi phí vận chuyển để giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail chia sẻ, hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc đã tham gia giải cứu thanh long và dưa hấu theo chương trình bán giá vốn và đã lỗ khoảng 15-17 tỉ đồng chi phí vận chuyển do bán hàng không lợi nhuận. Tuy nhiên, theo thông báo của các đơn vị cung cấp thì đã không còn đủ thanh long để cung cấp cho siêu thị nữa và dưa hấu dù còn hàng nhưng giá đã tăng gấp đôi so với trước.

Do đó, tại một số siêu thị, mặc dù trong những ngày “nóng hổi” chuyện giải cứu, người tiêu dùng có thể vẫn không thể mua nông sản giá rẻ.

Trong khi đó, thực tế hoạt động giải cứu nông sản vẫn diễn ra khá sôi động ngoài thị trường. Tại TPHCM, một số cá nhân vẫn đứng ra thu mua hoặc làm đầu mối, bán giùm (không lợi nhuận) cho người nông dân.

Anh L.V.P cho biết, đợt vừa qua anh đã liên hệ trực tiếp người nông dân Gia Lai và tiêu thụ giúp cho họ 28 tấn dưa hấu, giá mỗi ký dưa anh bán tại một số điểm ở TPHCM là 4.300 đồng, mỗi trái có trọng lượng từ 3-7kg. Người tiêu dùng TPHCM ủng hộ rất nhiệt tình. Toàn bộ số tiền bán dưa, công khai trên facebook cá nhân của anh và được chuyển toàn bộ cho người nông dân.

Đại diện một siêu thị lớn tại TPHCM cho biết, nguồn hàng cần giải cứu của người nông dân thường được siêu thị thu mua thông qua các hợp tác xã, nhà vườn hay Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương. Hàng hóa này đa phần do không thể xuất khẩu, trong đó thường là xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc.

Việc đưa nông sản vào siêu thị ở những đợt giải cứu thông thường sẽ được thương lượng trong thời gian khá ngắn, giữa siêu thị và các đối tác sẽ có bản hợp đồng, sản lượng cung ứng cũng như giá cả sẽ tùy từng đợt ngắn hạn. Và tất nhiên hàng hóa đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn về ngoại quan, độ trưởng thành, các yếu tố vi sinh…

Tuy nhiên, có những khi, đang trong quá trình giải cứu, vì nắm được thông tin hàng hóa có thể bán được ở một kênh khác với giá cao hơn, không quá đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng… thì đơn vị cung ứng lập tức “hủy kèo” hay chỉ cung ứng hết hợp đồng ngắn hạn, không ký tiếp với nhà phân phối.

Là đơn vị thu mua nông sản cung ứng cho thị trường trong nước, xuất khẩu, bà N.T.H.T, Giám đốc một công ty tại Bến Tre cho biết, mặc dù chuyện “hủy kèo” trong thời gian giải cứu nông sản không diễn ra tại công ty bà, do đơn vị đặt chữ tín lên hàng đầu, tuy nhiên, thực tế chuyện hủy kèo này là có thật. 

Mặc dù không đồng tình với cách làm này của một số đơn vị nhưng bà H.T cho rằng, về phía doanh nghiệp thu mua để đưa hàng được vào siêu thị cũng rất trần ai, kể cả trong thời điểm nông sản có ùn ứ rất nhiều, các dơn vị chức năng chỉ đạo và kêu gọi siêu thị hỗ trợ tiêu thụ và phía siêu thị có thiện chí.

Những khó khăn cụ thể như thời gian làm việc, thương thảo các điều khoản để đi đến hợp đồng cuối cùng thường kéo dài, trong khi để phải giải cứu thì nông sản đã ở trạng thái chín, sắp phải đổ bỏ; sản phẩm vào được siêu thị phải đạt những tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, bao bì nhất định – mà tiêu chuẩn này, nếu trồng đại trà như phần lớn người nông dân đang trồng thì hầu như không thể đáp ứng yêu cầu…

Theo đó, nếu có hy vọng ở các nguồn thu mua khác, hay Trung Quốc “ăn” hàng thì doanh nghiệp sẽ chọn các nguồn thu mua khác, xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua một số nhà cung cấp dưa hấu, thanh long nói không cần "giải cứu" nữa, theo tôi được biết là do họ muốn các siêu thị mua với giá cao hơn và họ nghe tin thị trường Trung Quốc sắp mở trở lại các cặp chợ và trao đổi cư dân biên giới và Trung Quốc cũng đang rất "khát" hàng trái cây nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trả giá cao hơn.

Một trong những “căn bệnh" cố hữu của các nhà sản xuất, cung cấp nông sản là sản xuất thì manh mún, tự phát, không theo tín hiệu của thị trường nhưng sẵn sàng phá vỡ cam kết cung cấp hàng cho các nhà phân phối (nhất là nhà phân phối trong nước) khi có khách hàng trả giá cao hơn. Còn khi khó khăn không tiêu thụ được thì lại kêu gọi "giải cứu" hỗ trợ trên cộng đồng vốn đang bùng nổ trên mạng xã hội hiện nay.

Việc "giải cứu, hỗ trợ" tiêu thụ chỉ là giải pháp ngắn hạn. Muốn nền nông nghiệp phát triển thực sự bền vững thì phải sản xuất quy mô lớn và hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn trong đó ưu tiên phát triển các doanh nghiệp tư nhân (nhà nước hỗ trợ về chính sách đất đai, vốn, khoa học công nghệ...); thứ nữa là phải sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... để dễ vào hệ thống siêu thị và các thị trường nhập khẩu khó tính; thứ ba là phải hình thành văn hoá kinh doanh "giữ chữ tín" thực hiện theo đúng cam kết; người nông dân phải trở thành "người công nhân" ăn lương của các doanh nghiệp còn việc đầu ra, đầu vào, thị trường... để các chủ doanh nghiệp lo (ý này tức là phải cơ giới hoá, công nghiệp hóa nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp).

Đấy là chưa kể, nhà nước nên chuyển dần hình thức hỗ trợ người nông dân trực tiếp như một số cách làm thời gian qua mà chuyển sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các công cụ như bảo hiểm giá (hedging); ngoài ra còn các vấn đề khác liên quan đến kho lạnh, logistics, công nghiệp chế biến, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý...

“Tôi nghĩ phải giải quyết được những vấn đề lớn và đi vào bản chất như trên thì mới thoát khỏi cảnh "giải cứu nông sản" và tình trạng "không ăn khớp" giữa sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Đông nhấn mạnh.

Vũ Yến