Quảng Ngãi: 'Sốt ruột' tìm đầu ra cho dưa hấu
Ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 gây ra, hiện tại, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ dưa hấu chủ yếu tiếp tục lùi thời gian thông quan tại một số cửa khẩu. Điều này đã làm cho nhiều địa phương ở Quảng Ngãi rất lo lắng vì chưa tìm được đầu ra cho nông sản này.
Huyện Bình Sơn, nơi ước tính có khoảng hơn 8.600 tấn dưa hấu trong vụ đông xuân 2019 - 2020 cũng đang rất “sốt ruột”. Để hỗ trợ người trồng dưa vượt qua khó khăn, chính quyền huyện này đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành, hỗ trợ, vận động đối tác nhằm tìm đầu ra tiêu thu nông sản cho nông dân.
“Mới đây, thông qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, huyện Bình Sơn cũng giúp nhiều hộ là người địa phương thuê đất ở tỉnh khác tiêu thụ dưa với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, giảm bớt thiệt hại cho người dân, dù gì họ cũng là con em của Bình Sơn”, một lãnh đạo huyện chia sẻ.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi trồng khoảng 756ha dưa hấu, năng suất bình quân ước đạt 240 - 290 tạ/ha với tổng sản lượng dự kiến hơn 21.900 tấn, trong đó chủ yếu là các giống: Hắc mỹ nhân, hắc long, An Tiêm, hồng lương. Thời gian thu hoạch rộ chủ yếu từ nửa tháng 2 đến tháng 3/2020.
Dưa được trồng nhiều ở các huyện gồm: Đức Phổ 120ha, Mộ Đức 180ha, Bình Sơn 320ha, Sơn Tịnh 125ha. Báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết hiện đã thu hoạch khoảng hơn 50ha, năng suất ước đạt 240 tạ/ha. Dù diện tích thu hoạch chưa nhiều nhưng việc tiêu thụ cũng không mấy thuận lợi vì không xuất được qua Trung Quốc. Do đó, khi vào "chính vụ", vấn đề đầu ra cho dưa sẽ càng căng thẳng và cấp thiết.
Qua phân tích của ngành chuyên môn, thời gian qua việc tiêu thụ dưa hấu ở Quảng Ngãi thường gặp khó khăn bởi nông dân trồng tự phát, hàng năm thay đổi địa điểm trồng dẫn đến khó kiểm soát.
Mua bán dưa hấu thường do sự chủ động thỏa thuận của 2 bên, giữa nông dân và thương lái, không qua tổ chức hay cá nhân đại diện nào, không hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, việc xuất khẩu dưa hấu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhất là xuất qua Trung Quốc, không có đơn vị hợp đồng cụ thể.
Mặc dù có một số hộ dân đầu tư trồng dưa hấu thu lợi nhuận cao nhưng ngành nông nghiệp không khuyến khích mở rộng diện tích vì đây là loại nông dân giá cả thất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiên tại, Sở NN&PTNT cũng đã có báo cáo và đề nghị Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết giữa các công ty kinh doanh hàng nông sản và nông dân để hỗ trợ tiêu thụ sản lượng dưa hấu; tăng cường đầu tư công tác khảo sát, điều tra, nghiên cứu tình hình thị trường hiện tại và tương lai để có dự báo chính xác, giúp người nông dân chủ động trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa các Hiệp hội nông sản Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các hệ thống phân phối với các địa phương vùng sản xuất dưa hấu theo hướng kết nối cung - cầu để đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ dưa hấu trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.