|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Loạn' giá dưa hấu ngày giáp Tết Kỷ Hợi

10:00 | 03/02/2019
Chia sẻ
Ngày 28 Tết Kỷ Hợi, các điểm bán dưa hấu bắt đầu đông khách khi nhà nhà đều mua để chưng bàn thờ, cúng ông bà.
loan gia dua hau ngay giap tet ky hoi
Dưa hấu được bán khắp nơi tại TP HCM. (Ảnh: An Yến)

Mỗi nơi mỗi giá

Từ đường phố đến chợ, siêu thị, nơi đâu cũng tràn ngập các loại dưa hấu. Đây là loại trái cây phổ biến của người miền Nam để chưng bàn thờ mỗi dịp tết đến xuân về. Vì vậy số người bán loại trái cây này dường như cũng nhiều nhất.

Dưa hấu bán tết cũng có nhiều loại. Trong đó đa số là loại trái tròn to, vỏ xanh ruột đỏ để chưng bàn thờ cho đẹp và mang lại sự may mắn vì màu đỏ. Đây cũng là loại người mua nếu thích có thể khắc các chữ trên vỏ dưa như “Phúc Lộc Thọ”, “Chúc mừng năm mới”, "Tài Lộc", "Vạn sự như ý"... Chưa kể tiền dưa, khách hàng muốn khắc chữ sẽ tính công riêng khoảng 100.000 đồng/chữ. Bên cạnh đó, có loại dưa hấu vỏ vàng, dưa hấu quả dài và dưa không hạt có vỏ sọc...

Đặc biệt, giá các loại dưa hấu "nhảy múa" liên tục trong những ngày gần sát tết và cũng khác nhau ở mỗi điểm bán, mỗi quận hay mỗi chợ. Ví dụ tại quận 7, TP HCM, trong khi giá dưa hấu loại tròn ở siêu thị bán 13.500 đồng/kg, dưa hấu không hạt 16.000 đồng/kg, dưa hấu ruột vàng giá 18.000 đồng/kg thì phía trong chợ sát bên, loại dưa hấu đỏ có giá 15.000 đồng/kg; dưa hấu không hạt giá 20.000 đồng/kg.

loan gia dua hau ngay giap tet ky hoi
Dưa hấu khắc chữ để chưng dịp tết với tiền công khoảng 100.000 đồng/chữ. (Ảnh: An Yến)

Còn chỉ cách đó vài căn nhà, anh Ngọc - một tiểu thương bán dưa hấu ngoài lề đường - đã báo giá dưa tròn là 20.000 đồng/kg, dưa hấu vỏ vàng và dưa hấu không hạt đồng giá 25.000 đồng/kg. Anh Ngọc cho biết dưa hấu này được anh xuống thu mua tận các vườn tại Long Anh đưa về thành phố bán dịp tết. "Giá bán những ngày này chắc chắn phải cao hơn ngày thường vì phí vận chuyển, nhân công... đều tăng cao", tiểu thương này khẳng định.

Nhưng chưa dừng ở đó, tại một quầy bán dưa hấu sát chợ Tân Mỹ, quận 7, TP HCM, giá dưa hấu ruột đỏ loại quả to lên 22.000 đồng/kg, loại dưa hấu vỏ vàng là 30.000 đồng/kg...

Nhìn chung, giá các loại dưa sẽ chênh lệch nhau từ 2.000 - 3.000 đồng/kg đối với loại quả tròn, vỏ xanh tại các điểm bán ở các quận khác nhau. Riêng giá dưa hấu vỏ vàng chênh lệch nhiều hơn, từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá thấp nhất là loại dưa tròn thì dịp cuối năm cũng cao hơn giá ngày thường khoảng 20%.

loan gia dua hau ngay giap tet ky hoi
Dưa hấu không hạt có giá cao nhất, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. (Ảnh: An Yến)

Đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu

Ngoài việc tiêu thụ mạnh trong nước vào dịp Tết Âm lịch hằng năm, dưa hấu cũng là loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Người dùng Trung Quốc cũng thích sử dụng dưa hấu vào dịp Tết Nguyên đán vì dưa hấu có màu đỏ - là màu của sự may mắn theo quan niệm của người tiêu dùng nước này. Tính từ năm 2014 đến đầu năm 2018, bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng trên 200.000 tấn với kim ngạch khoảng 30 triệu USD/năm. Hiện nay ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu dưa hấu từ Malaysia và Myanmar.

Tương tự các thị trường khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với nông sản và trái cây khi nhập khẩu. Chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Ngoài ra, theo chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), hải quan Quảng Tây gần đây đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm như xốp lưới từ tháng 5.2019 nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh. Hiện phía Việt Nam chủ yếu sử dụng rơm để lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển nên doanh nghiệp phải chú ý thay đổi theo quy định mới.

Riêng về quy định truy xuất nguồn gốc, kể từ tháng 5.2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng. Đó là yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của nước này phải đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc và dán tem này trên các sản phẩm trái cây nhập khẩu. Đồng thời, danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói cũng phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo cho phía Trung Quốc. Đây không phải là quy định mới nhưng hiện phía Trung Quốc thực hiện chặt hơn.

loan gia dua hau ngay giap tet ky hoi
Dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: An Yến)

Về phía Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng “Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây”, gồm chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối và dứa cùng “Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam” được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc. Tuy nhiên Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết nhiều đơn vị xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.

Nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung và dưa hấu nói riêng cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, bao bì đóng gói truy xuất nguồn gốc...

Xem thêm

An Yến