|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giấc mơ Libra của Facebook: Tiền đề đưa tiền ảo chính thức đặt chân vào hệ thống tài chính thế giới

15:49 | 26/08/2019
Chia sẻ
Sự chú ý đặc biệt mà Libra nhận được từ các nhà quản lí trên toàn thế giới đang thúc đẩy việc tiền điện tử sẽ sớm trở thành một phần của hệ thống tài chính.

Theo đưa tin từ CNBC, Ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính Mỹ và các nhà quản lí trên toàn cầu đã bày tỏ quan ngại với tiền điện tử Libra của Facebook khi nó có thể thay đổi mạnh mẽ hoặc thậm chí ảnh hưởng không tốt tới công việc của họ ít nhất về mặt lý thuyết. 

Do đó, các nhà đầu tư, những người đam mê tiền điện tử và các nhà quản lí nói rằng Libra đã nâng cao vai trò cho các cơ quan tài chính, buộc họ phải có cái nhìn nghiêm túc hơn đối với các loại tiền kĩ thuật số.

"10 năm trước, những nhà quản lí đã không quan tâm gì đến bitcoin. Họ cho đó là một vấn đề nhỏ và đều chắc chắn rằng nó sẽ biến mất và tự biến mất", Ido Sadeh Man, một doanh nhân người Israel, "cha đẻ" của đồng tiền kỹ thuật số có tên Saga, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

Tháng 6 vừa qua, Facebook đã ra mắt Libra trong quá trình hợp tác với 27 công ty khác. Đồng tiền kĩ thuật số này sẽ được giám sát bởi một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có trụ sở tại Thụy Sĩ được gọi là Hiệp hội Libra mặc dù một vài chi tiết về cách thức hoạt động của tổ chức này vẫn chưa rõ ràng. 

Facebook cho biết mục tiêu của dự án đồng Libra là cung cấp một cách chuyển tiền nhanh chóng, chi phí thấp cho mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là những người không có quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Phản ứng tức thì

Ngay khi thông tin về Libra được tiết lộ, các nhà chức trách trên toàn thế giới đã ngay lập tức đưa ra những lo ngại, phản ứng nhanh chóng hơn nhiều so với những gì đã xảy ra với những đồng tiền điện tử khác như bitcoin trong quá khứ.

Cùng ngày Facebook ra mắt dự án Libra, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết họ sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất. Vài tuần sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã liệt kê ra hàng loạt vấn đề cần quan tâm bao gồm quyền riêng tư, rửa tiền, người tiêu dùng bảo vệ và ổn định tài chính. 

Kể từ đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ủy viên FTC Rohit Chopra cũng đã đưa ra những lo lắng tương tự.

ECB từ chối bình luận thêm về vấn đề này nhưng đã gửi cho CNBC một lá thư có chữ ký của ông Draghi được viết vào ngày 25/7, nói rằng những đồng tiền stablecoin (tiền kĩ thuật số có giá ổn định) phải đảm bảo sự tin cậy của công chúng bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn qui định cao nhất và phải chịu sự giám sát thận trọng. 

Ngân hàng Trung ương Anh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Kho bạc Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNBC.

Tiềm năng quá lớn mạnh từ Facebook

"Các nhà quản lí đang lo lắng trên nhiều mặt trận - tất cả đều gắn liền với tiềm năng của Libra", Zennon Kapron, người sáng lập và giám đốc của công ty tư vấn Kapronasia cho biết.

Các chuyên gia cho rằng với sự hỗ trợ từ phía sau từ Facebook, mạng xã hội có hàng tỉ người dùng và với ví điện từ Calibra đồng tiền sẽ được mở rộng tương tác với WhatsApp, Facebook Messenger.

Ngoài ra, các công ty như eBay và PayPal một phần của Hiệp hội Libra, cũng là những công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán kĩ thuật số.

"Không giống như bitcoin và các loại tiền điện tử khác, có sức hấp dẫn chỉ giới hạn ở một tập hợp con người, Libra có khả năng tiếp cận hàng tỉ người dùng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. 

Tôi nghĩ rằng, các nhà quản lí đã khá tức giận về những gì mà xảy ra xung quanh Libra, trái ngược với bitcoin", Kapron nói.

Sự xuất hiện của Libra có thể khiến Chính phủ Mỹ mất kiểm soát về tiền tệ

Theo phân tích của Kapron, hiện tại đồng USD có nhiều sức mạnh và mang đến quyền lực cho nước Mỹ bởi vì dầu tính giá bằng USD. Chính phủ Mỹ cũng kiểm soát các ngân hàng sử dụng đồng USD và qua đó họ có thể kiểm soát được hướng đi của nền kinh tế cũng như chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Libra, Chính phủ Mỹ có thể sẽ mất khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ.

Trong một tuyên bố với CNBC, Hiệp hội Libra cho biết: "Hiệp hội Libra sẽ duy trì sự hài hoà về qui định và nhu cầu của người tiêu dùng với mục đích không phải là cạnh tranh mà là hướng tới mục tiêu cung cấp một cơ sở hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu đơn giản, trao quyền cho hàng tỉ người".

Cùng với đó, việc lên kế hoạch ra mắt Libra vào năm 2020 được dự kiến tại thời điểm mà những cuộc "trao đổi" giữa các nhà quản lí và hoạch định chính sách trên khắp thế giới có thể có những kết quả nhất định.

Một số nhà đầu tư nói rằng sự chú ý mà Libra đã nhận được từ các nhà quản lí đã thúc đẩy việc tiền điện tử sẽ sớm trở thành một phần của hệ thống tài chính. Và điều này cũng sẽ khiến các nhà mạng sẽ tiếp tục phát triển các mảng và đầu tư thêm tiền vào các dự án mới về tiền kĩ thuật số.

Diệp Bình