Giá xăng dầu tuần tới: Xu hướng giảm vẫn bao trùm thị trường dầu
Giá dầu thô Brent và WTI đánh dấu mức giảm hàng tuần thứ 8 liên tiếp, một trong những tuần hỗn loạn nhất trong lịch sử giao dịch dầu mỏ, nổi bật là hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 lần đầu tiên chạm mức âm 37,63 USD/thùng vào thứ Hai (20/4) trong khi giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất 20 năm.
Tuy nhiên, trong tuần giá dầu đã cải thiện khi tăng phiên thứ 4 liên tiếp vào thứ Sáu (24/4). Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6 tăng 69 cent, tương đương 4,1%, lên 17,19 USD thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu giảm 7%.
Giá dầu Brent tăng 11 cent, tương đương 0,5%, lên 21,44 USD và mức giảm hàng tuần là 24%.
Việc bán tháo ồ ạt đã khiến hợp đồng dầu thô giao sau của Mỹ lần đầu tiên chạm mức âm trong lịch sử và lập kỉ lục về số lượng hợp đồng được giao dịch vào thứ Ba (21/4).
Giá dầu thô đã giảm gần 80% trong năm nay khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Sự bùng phát virus đã khiến nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới giảm khoảng 30% và các công ty năng lượng ở Mỹ phải chật vật tìm kho dự trữ dầu dư thừa.
Giá dầu được hỗ trợ vào cuối tuần khi Tổng thống Donald Trump chỉ thị cho Hải quân Mỹ bắn vào bất kì tàu Iran nào có hành động chống phá ở vùng Vịnh.
Cuối tuần qua, trong nỗ lực trấn an tình hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Mỹ nhưng sẽ không bao giờ khởi xướng một cuộc xung đột trong khu vực.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh cũng hỗ trợ giá dầu. Hãng thông tấn nhà nước Kuwait KUNA cho biết các quốc gia sẽ bắt đầu cắt giảm nguồn cung mà không cần chờ đến ngày bắt đầu chính thức của thỏa thuận OPEC + vào ngày 1/5.
Các công ty dầu khí của Nga sẽ giảm lượng dầu thô vận chuyển từ các cảng Baltic và thành phố Novorossiisk gần Biển Đen trong tháng 5 xuống còn 5,42 triệu tấn, mức thấp nhất trong 20 năm qua, theo Reuters.
Những lo ngại về nhu cầu do hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona và việc thiếu kho dự trữ dầu dự kiến sẽ khiến giá dầu giảm trong tương lai gần. Tuy nhiên, cú sốc giá vào ngày 20/4 chắc chắn sẽ không lặp lại lần nữa.
Giá có thể ổn định trong tuần này nếu nhiều thành viên OPEC + thông báo cắt giảm sản lượng sớm. Căng thẳng leo thang của hoạt động quân sự ở Trung Đông sẽ là một nhân tố tích cực đối với giá dầu.
Nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm, nhưng có thể chậm lại nếu đại dịch virus corona được kiểm soát và khi nhiều quốc gia thông báo bắt đầu mở cửa nền kinh tế.
Giới chuyên gia có thể đánh giá mức độ thiệt hại của nhu cầu chính xác hơn vào cuối tuần này khi Mỹ công bố dữ liệu GDP vào thứ Tư (29/4) và Chỉ số sản xuất PMI từ Viện Quản Lí Nguồn Cung (ISM) vào thứ Sáu (1/5).