Giá xăng dầu tuần tới: Xu hướng giảm chiếm ưu thế do tác động của COVID-19 chủng mới
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,04% xuống 52,13 USD/thùng, giá dầu thô Brent giao tháng 4 cũng giảm 0,15% xuống còn 55,02 USD/thùng.
Giá dầu thô đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ Sáu (28/1) tuy nhiên quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần (30/1) do lo ngại tác động của COVID-19 chủng mới và việc triển khai vắc-xin chậm chạp có thể trì hoãn sự phục hồi kinh tế và nhu cầu dầu toàn cầu.
Điều này làm giảm tâm lý lạc quan trên thị trường sau khi Arab Saudi giảm nguồn cung dầu và tồn kho dầu tại Mỹ giảm.
Số ca nhiễm virus corona toàn cầu đã vượt qua con số 100 triệu khi các ca nhiễm gia tăng ở châu Âu và châu Mỹ, trong khi châu Á đang nỗ lực ngăn chặn các đợt bùng phát mới, ảnh hưởng đến nhu cầu và giá dầu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, gần đây đã chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho biết có 75 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 27/1, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 11/1.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm gần 10 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/1 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 ở mức 476,7 triệu thùng do nhập khẩu giảm mạnh, theo Reuters.
Saudi Arabia dự kiến giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 2 và tháng 3 năm nay. Việc tuân thủ các quy định về hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã được cải thiện trong tháng 1.
Theo một cuộc khảo sát khác của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 1 sau khi OPEC+ đồng ý nới lỏng hạn chế nguồn cung.
Tiêu thụ dầu thô toàn cầu phục hồi nhẹ những vẫn thấp hơn mức trước đại dịch
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết bởi vì các lệnh hạn chế và ngừng hoạt động do dịch COVID-19, mức tiêu thụ xăng dầu và các nhiên liệu lỏng khác trên toàn cầu đã giảm 9% xuống 92,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
Tiêu thụ toàn cầu sẽ trở lại bình thường và sự phục hồi tiếp tục ở các nền kinh tế sẽ góp phần làm tăng tiêu thụ dầu vào năm nay.
EIA dự báo trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 1/2021 rằng tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, tương đương 6% so với năm 2020 và tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Theo dự báo của EIA, mức tăng tiêu thụ tại Mỹ là 1,4 triệu thùng/ngày vào năm nay.
Tiêu thụ dầu sẽ tăng nhờ vào tăng trưởng kinh tế và sự hoạt động trở lại của các mô hình du lịch vào giữa năm, điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhỏ đến tăng trưởng tiêu thụ dầu trong năm 2022.
EIA dự kiến sự tăng trưởng trong tiêu thụ dầu toàn cầu vào năm nay vẫn ở dưới mức trước đại dịch - 97,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn 3% so với năm 2019.
OPEC cũng nhận thấy nhu cầu dầu phục hồi nhẹ trong năm nay kể từ khi sụt giảm mạnh trong năm 2020.
Tuy nhiên, với mức tiêu thụ dự kiến 95,9 triệu thùng/ngày vào năm nay, tiêu thụ dầu sẽ vẫn thấp hơn gần 5 triệu thùng/ngày so với mức trước đại dịch năm 2019.
OPEC cho biết: "Nhu cầu dầu dự kiến sẽ không thể phục hồi hoàn toàn sau đợt sụt giảm năm 2020". OPEC ước tính nhu cầu năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày xuống mức trung bình 90 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong báo cáo tháng 1/2021, đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay thêm 300.000 thùng/ngày xuống 5,5 triệu thùng/ngày.
IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ đạt mức trung bình 96,6 triệu thùng/ngày vào năm nay dưới sự đè nặng của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế bên ngoài châu Âu ngày 29/1 đã gây bất ngờ với sự tăng trưởng, điều này khiến thị trường hy vọng rằng một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã không suy thoái như lo ngại, bất chấp việc phong tỏa vào cuối năm ngoái.
Nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu - Đức - đã tăng trưởng nhẹ 0,1% trong quý 4/2020 trong khi kỳ vọng tăng trưởng bằng không, bất chấp lệnh phong tỏa mới.
Nền kinh tế Tây Ban Nha tăng 0,4% trong quý 4/2020 trong khi kỳ vọng giảm. Nền kinh tế Pháp, mặc dù giảm 1,4% trong cùng kì, vẫn vượt dự báo giảm 4% trong quý 4/2020.