Giá xăng dầu tuần tới: Sản lượng giảm do đợt lạnh bất thường tại Texas
Kết thúc phiên giao dịch 20/2, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,45% xuống còn 59,04 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 cũng giảm tới 1,89% xuống 62,72 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 0,5% trong khi giá dầu WTI giảm 0,7%. Trong tuần, cả hai loại dầu đều đã leo lên mức cao nhất trong hơn một năm.
Giá dầu thô đã giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/2) vì các công ty năng lượng tại Texas bắt đầu chuẩn bị khởi động lại những mỏ dầu và khí đốt bị dừng bởi thời tiết giá lạnh và tình trạng mất điện.
Các nhà phân tích ước tính thời tiết lạnh giá bất thường ở bang Texas đã làm sản lượng khai thác dầu thô giảm tới 4 triệu thùng/ngày và sản lượng khí đốt tự nhiên giảm 21 tỷ feet khối/ngày.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính sản lượng dầu thô giao tại 48 tiểu bang lục địa Mỹ sẽ giảm trung bình 700.000 thùng/ngày trong tháng hai, theo Reuters.
Về nhu cầu, ngân hàng này dự báo trong thời gian ngừng hoạt động công nghiệp và khai thác đá phiến, tiêu thụ sản phẩm chưng cất giảm 50.000 thùng/ngày và tiêu thụ dầu diesel giảm khoảng 150.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, các tuyến đường bị tắc và các chuyến bay bị hủy sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng khoảng 250.000 thùng/ngày và nhu cầu nhiên liệu máy bay giảm 60.000 thùng/ngày.
Trong tuần, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số lượng giàn khoan dầu hoạt động lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, theo dữ liệu của Baker Hughes.
Các nhà máy lọc dầu ở Texas đã tạm dừng khoảng 25% công suất chế biến dầu của cả nước trong bối cảnh mất điện và rét đậm.
Những công ty này được cho là chuẩn bị khởi động lại sản xuất vào ngày 19/2 khi các dịch vụ điện và nước từ từ hoạt động trở lại.
Tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm vào tuần trước, trước khi thời tiết băng giá xảy ra. Dự trữ dầu giảm 7,3 triệu thùng xuống 461,8 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) cho biết hôm 18/2.
Theo chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam từ OANDA, giá dầu tăng trong tuần này nhờ việc triển khai vắc xin COVID-19, nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia và đợt lạnh bất thường tại Texas.
Vào ngày 18/2, Mỹ cho biết đã sẵn sàng đàm phán với Iran về việc kí kết lại thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran mua vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt đối với Iran mà chính quyền Mỹ áp đặt trước đó chưa thể được gỡ bỏ trong ngắn hạn.
"Bước đột phá này làm tăng khả năng sớm quay trở lại thị trường dầu mỏ của Iran, mặc dù còn nhiều điều phải thảo luận và thỏa thuận mới sẽ không phải là bản sao của thỏa thuận hạt nhân năm 2015", theo ông Kevin Solomon, chuyên gia phân tích của StoneX.
Iran đang tăng cường sản xuất vì nước này được miễn trừ khỏi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và đang có kế hoạch quay trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ.