Giá xăng dầu tuần tới: OPEC sẽ làm gì khi đứng trước nhu cầu dầu suy yếu và nguồn cung thặng dư trong 2020?
Nguồn: Reuters
Trong nhiều tuần, OPEC cho thấy khả năng sẽ giữ vững thỏa thuận giảm sản lượng với Nga và các đồng minh khác từ một năm trước cho đến tháng 6/2020 và giá sẽ vẫn được hỗ trợ ở mức hiện tại hoặc thậm chí cao hơn, theo Investing.com.
Tuy nhiên vào thứ Sáu (29/11), Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết phía Nga mong muốn OPEC + đưa ra quyết định gia hạn việc cắt sản xuất đến tháng 3/2020.
Lập trường của Nga và Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã kí hai dự luật nhằm ủng hộ các cuộc biểu tình bạo loạn tại HongKong chống lại Bắc Kinh, một động thái đe dọa hơn nữa đối với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, khiến dầu thô rớt giá 5% vào tuần này.
Giá dầu vẫn tăng mạnh trong năm nay, với dầu thô WTI đạt mức tăng 22% và dầu Brent đạt 12%.
Tuy nhiên, nếu OPEC không tiếp tục cắt giảm sản lượng, thì thật khó để tưởng tượng thị trường dầu sẽ như thế nào. Chỉ riêng tuần này, cả hai giá dầu WTI và Brent đều giảm hơn 4%.
OPEC sẽ làm gì trong tuần tới?
Mặc dù kịch tính thị trường trở nên cao trào bởi thông báo của ông Novak vào tuần này gây ra sự sụp đổ về giá, nhưng có khả năng OPEC vẫn sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó.
Nga có thể tiếp tục cam kết giảm 1,2 triệu thùng/ngày với OPEC + đến giữa năm nay. Trong quá khứ, Moscow đã từng đồng ý với OPEC thực hiện theo thỏa thuận và có khả năng sẽ tiếp tục làm điều đó một lần nữa.
Câu hỏi còn lại là liệu Arab Saudi có nhận được mức giá dầu thô mong muốn hay không, đặc biệt là với thông báo về giá niêm yết của cổ phiếu Aramco dự kiến phát hành vào ngày khai mạc của cuộc họp OPEC sắp tới.
Báo cáo của Reuters ngày 29/11 cho thấy giá dầu sẽ chịu áp lực vào năm 2020 khi mối quan tâm tăng trưởng đè nặng lên nhu cầu và gia tăng mối lo nguồn cung dầu thô.
Cuộc khảo sát của 42 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 62,5 USD/thùng vào năm tới, ít thay đổi so với dự báo 62,38 USD/thùng trong tháng trước, đây là mức dự báo thấp nhất cho năm 2020 trong khoảng hai năm trở lại đây.
Giá dầu Brent đạt trung bình khoảng 64 USD/thùng trong năm nay.
"Đơn giản là vì nguồn cung dầu quá dư thừa trên thị trường", Frank Schallenberger, chuyên gia phân tích của LBBW, cho biết.
OPEC và các đồng minh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt vào năm 2020 và tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC sẽ tăng mạnh vào năm tới, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng này.
Đối với OPEC, nguồn cung thặng dư khoảng 70.000 thùng/ngày vào năm tới. Các chuyên gia phân tích ước tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức 0,8 - 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
OPEC + đang đấu tranh để đẩy giá tăng, chống lại sự tăng trưởng nhu cầu yếu, tâm lí thị trường mong manh và nguồn cung ngoài OPEC tăng mạnh.
Có khả năng rất cao là OPEC sẽ tiếp tục thỏa thuận hiện tại ít nhất cho đến cuối năm 2020, nhưng khả năng về một đợt cắt giảm mới vẫn còn hạn chế trong bối cảnh một số nước không tuân thủ chính xác cam kết và lợi nhuận ngành dầu giảm dần.
Dự báo triển vọng cho OPEC, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày 29/11 cho thấy xuất khẩu dầu hàng tháng của Mỹ trong tháng 9 vừa qua đã vượt mức nhập khẩu 89.000 thùng/ngày, củng cố vị thế là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm dầu thô kể từ năm 1949.