Giá xăng dầu tuần tới: Liệu giá dầu có thể quay lại mức 40 USD/thùng sau khi giảm lần đầu tiên trong 7 tuần?
Chốt phiên thứ Sáu (12/6), giá dầu WTI tăng 14 cent, tương đương 0,4%, lên 36,48 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu Brent tăng 40 cent lên 38,95 USD/thùng, theo Investing.com.
Trong tuần này, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt 8,3% và 8,4%, ghi nhận tuần đầu tiên thua lỗ sau 6 tuần tăng trước đó khi giá dầu WTI tăng tới 300% và dầu Brent tăng 170% từ mức âm trong lịch sử. Liệu giá dầu sẽ sớm quay trở lại mức 40 USD/thùng hay vẫn theo đà giảm trong tuần này xuống còn 30 USD/thùng?
Sau chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp, thị trường bắt đầu biến động mạnh khi dự trữ dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu như diesel của Mỹ ở mức kỉ lục.
Trong khi đó, lo ngại về đợt bùng phát dịch virus corona thứ hai ở Mỹ dấy lên khi tổng số ca nhiễm chạm mốc 2 triệu người mặc dù ít nhất 5 trong số 50 tiểu bang ghi nhận số ca mắc suy giảm trong 5 tuần trước đó.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất xuống mức gần 0 cho đến cuối năm 2022 và cảnh báo dù các biện pháp kích thích kéo dài, thị trường cần thận trọng bởi sự phục hồi từ đại dịch có thể kéo dài hơn dự kiến.
Các thông tin tích cực cũng không thể cứu vãn thị trường trong thứ Năm khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy 2,5 triệu người đã thoát khỏi tình trạng thất nghiệp trong tháng 5 sau khi tăng vọt lên mức 20 triệu trong hai tháng trước đó. Phố Wall đã giảm gần 1.900 điểm vào thứ Năm, kết thúc tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 3.
Thêm vào mối quan tâm của các nhà đầu tư dầu mỏ là tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 5,72 triệu thùng trong tuần trước, nâng tổng lượng tồn kho lên 538 triệu thùng, vượt qua mức hồi đầu năm 2017 và có thể coi đây là mức cao nhất kể từ năm 1982, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng.
Trong khi đó dự trữ các sản phẩm chưng cất, đặc biệt là diesel tăng vọt 1,6 triệu thùng lên gần 53 triệu thùng trong 9 tuần qua.
Bên cạnh những thông tin tiêu cực, Goldman Sachs cho biết nhu cầu xăng dầu đang tăng đều đặn và lợi nhuận của các nhà máy bắt đầu phục hồi dù vẫn dưới mức trung bình.
Việc mở lại thị trường tín dụng cũng mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất vì tính thanh khoản gia tăng giúp họ vượt qua suy thoái.
"Kể từ ngày 1/3, 5 trong số 9 công ty của chúng tôi đã phát hành trái phiếu mới với tổng số tiền khoảng 7,1 tỉ USD với lãi suất trung bình khoảng 4,6%. Chúng tôi tin rằng sự sẵn có của các thị trường vốn nợ mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất năng lượng, đặc biệt là những lĩnh vực có năng suất cao".