|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Đà tăng vẫn giữ vững nhờ sản lượng dầu tại Vịnh Mexico giảm

20:48 | 11/10/2020
Chia sẻ
Tuần vừa qua, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 9%, mức tăng đầu tiên trong ba tuần gần đây và là mức tăng hàng tuần lớn nhất đối với dầu Brent kể từ tháng 6.
Giá xăng dầu tuần tới: Đà tăng vẫn giữ vững nhờ sản lượng dầu tại Vịnh Mexico giảm - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tuần tới: Đà tăng vẫn giữ vững nhờ sản lượng dầu tại Vịnh Mexico giảm (Ảnh: The Motley Fool)

Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu Brent giảm 49 cent, tương đương 1,1%, xuống còn 42,85 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giảm 59 cent, tương đương 1,4%, đạt mức 40,60 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 9%, mức tăng đầu tiên trong ba tuần gần đây và là mức tăng hàng tuần lớn nhất đối với dầu Brent kể từ tháng 6.

Giá dầu giao sau tăng vào đầu tuần do lo ngại cuộc đình công ở Na Uy và cơn bão Delta hướng đến duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô.

Các công ty dầu mỏ của Na Uy đã thỏa thuận lương với các cơ quan công đoàn vào ngày 9/10, chấm dứt cuộc đình công kéo dài 10 ngày đe dọa cắt giảm gần 25% sản lượng dầu và khí đốt của nước này vào tuần tới.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: "Một trong những yếu tố hỗ trợ giá đó là thông báo Na Uy sẽ chấm dứt cuộc đình công".

Các đảng viên của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cũng cho rằng một thỏa thuận kích thích kinh tế trong bối cảnh COVID-19 có thể được đưa ra trước cuộc bầu cử ngày 3/11.

Đầu ngày 9/10, giá dầu nhanh chóng chuyển biến tích cực sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà sẽ tiếp tục đàm phán về gói kích thích COVID-19 trị giá 1,8 nghìn tỉ USD với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Trong khi đó, cơn bão Delta đã đổ bộ vào Vịnh Mexico của Mỹ, gây thiệt hại lớn nhất về sản xuất năng lượng trong 15 năm, làm giảm phần lớn sản lượng dầu và gần 2/3 sản lượng khí đốt tự nhiên của khu vực.

Nhà máy lọc dầu công suất 225.500 thùng/ngày của Total SA bị mất điện, tháp giải nhiệt của nhà máy với công suất 335.000 thùng/ngày thuộc Valero Energy Corp bị hư hỏng và Motiva Enterprises phải đóng cửa một đơn vị nhỏ tại nhà máy lọc dầu công suất 607.000 thùng/ngày do bão, theo Reuters.

Theo Bộ Nội vụ Mỹ, cơn bão đã làm cắt giảm hầu hết sản lượng dầu ngoài khơi Vịnh Mexico và 62% lượng khí đốt tự nhiên của nước này. Nhân viên từ hơn 280 cơ sở sản xuất và giàn khoan đã được sơ tán trước khi bão đổ bộ.

Ngoài ra, triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu xấu đi do các ca nhiễm COVID-19 có khả năng gia tăng trong mùa đông này, khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đảo ngược kế hoạch nới lỏng cắt giảm dầu vào năm 2021.

Trong đó, Arab Saudi dự kiến sẽ cắt giảm sâu hơn nữa dưới hạn ngạch hiện tại.

Ngọc Ánh