Giá xăng dầu tuần tới: Chịu áp lực giảm do làn sóng COVID-19 mới bao trùm khắp châu Âu
Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 8 cent, tương đương 0,7%, xuống còn 40,88 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 23 cent, tương đương 0,5%, đạt mức 42,93 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI đã tăng 0,7% trong khi giá dầu Brent giảm 0,2%.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/10 sau khi chỉ tăng hơn 500.000 thùng trong tuần trước đó, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 15/10.
EIA cũng cho biết tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 7,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/10 so với mức giảm chỉ 962.000 trong tuần kết thúc ngày 2/10.
Giám đốc điều hành của Gunvor, ông Torbjorn Tornqvist, trả lời tờ Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 15/10 rằng tồn kho dầu toàn cầu đã tăng vọt trong quí II do nhu cầu nhiên liệu giảm, hiện đang giảm ở mức khoảng 3 triệu thùng/ngày.
Khối OPEC+, bao gồm Nga, kì vọng sẽ tăng sản lượng lên gần hai triệu thùng/ngày vào đầu năm sau, với giả định tồn kho tiếp tục giảm.
Một yếu tố khác làm ảnh hưởng nguồn cung dầu là các nhà máy sản xuất của Libya hoạt động trở lại sau nhiều tháng bị gián đoạn do nội chiến.
Quốc gia Bắc Phi này, là thành viên OPEC nhưng không nằm trong thỏa thuận hạn chế sản lượng, hiện đang sản xuất khoảng 500.000 thùng/ngày và một số dự báo cho biết sản lượng có thể tăng lên 700.000 thùng/ngày hoặc hơn vào cuối năm nay.
Số lượng ca nhiễm COVID-19 toàn cầu tăng đột biến
Tuần vừa qua, giá dầu đã giảm xuống do lo ngại nguồn cung tăng trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm chạp, khi nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, đang áp dụng lại một số biện pháp để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Nhiều nền kinh tế lớn như Anh, Đức, Pháp và Italy đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai khi sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã làm dấy lên mối lo ngại trên khắp các thị trường.
Các ca nhiễm ở Italy lại tăng lên mức báo động được ghi nhận lần cuối vào tháng ba, trong khi Anh và Pháp áp đặt các hạn chế di chuyển mới. Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 mới tăng lên ở 39 trong số 50 tiểu bang.
Bên cạnh đó, Reuters đưa tin khối các nhà sản xuất OPEC+ lo ngại rằng làn sóng COVID-19 mới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và trì hoãn quá trình tái cân bằng vốn đang diễn ra chậm chạp kể từ mùa hè.
Theo trang OilPrice, số ca nhiễm COVID-19 mới của Mỹ lần đầu tiên tăng vọt lên đến 60.000 ca/ngày trong hai tháng, trong khi Anh, Pháp, Ireland và Đức áp đặt các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh phong tỏa một số khu vực.