Giá xăng dầu tuần này: Giữ vững đà tăng nhờ hy vọng vào gói kích thích kinh tế của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, giá dầu thô WTI tăng 2,54% lên 59,72 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 4 cũng tăng tới 2,49% lên 62,66 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI đã tăng khoảng 4,7% trong khi giá dầu Brent tăng 5,3%, theo Reuters.
Giá dầu thô đã tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/2) lên cao nhất trong hơn một năm nhờ hy vọng gói kích thích của Mỹ sẽ thúc đẩy kinh tế và nhu cầu nhiên liệu, trong khi nguồn cung thắt chặt phần lớn vì sản lượng giảm tại các nhà sản xuất hàng đầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp một nhóm lưỡng đảng gồm các thị trưởng và thống đốc nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh phê duyệt kế hoạch cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp đỡ hàng triệu công nhân thất nghiệp.
"Gói kích thích dự kiến của Mỹ và tiến trình vắc xin đang diễn ra có thể sẽ duy trì nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, theo đó hỗ trợ thị trường dầu mỏ", ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates ở Galena, Illinois cho biết.
Giá dầu đã tăng trong những tuần gần đây một phần do thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất đồng minh trong nhóm OPEC+.
Các nhà phân tích của Capital Economics nhận định giá dầu giữ được mức tăng trong tuần này, nhờ những dấu hiệu cho thấy kho dự trữ dầu thô, đặc biệt là ở Mỹ, đang giảm.
Tuy nhiên, OPEC vẫn hạ triển vọng đối với sự phục hồi của nhu cầu dầu trong năm nay. Cụ thể, giảm so với ước tính trước đó 110.000 thùng/ngày xuống 5,79 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu vẫn vượt xa nhu cầu toàn cầu, mặc dù vắc xin COVID-19 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu.
Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm?
Theo OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay khi thị trường tiếp tục tái cân bằng sau những bất ổn do đại dịch mang lại, theo The Wall Street Journal.
Trong báo cáo thị trường hàng tháng, IEA cho biết mặc dù sản lượng dầu ước tính tăng trong năm nay nhưng nhu cầu phục hồi sẽ vượt sản lượng trong nửa cuối năm, khiến lượng dầu thô dư thừa tích tụ từ khi đại dịch bắt đầu giảm nhanh chóng.
IEA đã tăng dự báo đối với các quốc gia sản xuất ngoài hiệp ước giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh như Nga, nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC thêm 290.000 thùng/ngày lên 830.000 thùng/ngày trong năm nay.
Trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 11/2, OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng sản lượng ngoài OPEC 200.000 thùng/ngày xuống 700.000 thùng/ngày.
Đồng thời, IEA cũng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu 200.000 thùng/ngày xuống 96,4 triệu thùng, ít hơn khoảng 3% so với năm 2019. OPEC cũng đã giảm dự báo nhu cầu năm 2021 xuống còn 96,1 triệu thùng/ngày.