|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu nhập khẩu giảm 4 tháng liên tiếp

07:45 | 10/11/2022
Chia sẻ
Sau khi lập đỉnh vào tháng 6, giá xăng dầu nhập khẩu đã giảm tư tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 10, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 924 USD/m3, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với tháng 10/2021.

Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 10, nhập khẩu xăng dầu đạt 602 nghìn m3, tương đương 556 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 10% về giá trị so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 7,1 triệu m3, tương đương 7,3 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

 Sau khi lập đỉnh vào tháng 6, giá xăng dầu nhập khẩu đã giảm tư tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 10, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 924 USD/m3, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với tháng 10/2021.

Lũy kế 10 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.025 USD/m3, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021. 

 

Dữ liệu hải quan cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 39% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 10 tháng đầu năm.

Tính chung 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc gần 2,7 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2,9 tỷ USD, gấp đôi về lượng và gấp 3,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.070 USD/m3, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tổng nguồn cung xăng dầu là 5,5 triệu m3/tấn, tương đương bình quân 1,83 triệu m3/tấn/tháng.

Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.

Ngoài nguồn cung nhập khẩu, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn cũng đã có kế hoạch sản xuất xăng dầu trong quý IV.

Cụ thể, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết vận hành với công suất tối thiểu 100% và dự kiến cung cấp 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa, chiếm khoảng 40% tổng lượng xăng dầu của cả nước.

Tương tự, nhà máy lọc dầu Dung Quất của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng vừa nâng công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là lần tăng công suất thứ 5 trong năm 2022.

9 tháng đầu năm, nhà máy Dung Quất đã sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu, vượt 6% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch năm cả 2022.

Hoàng Anh