|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Tài chính tăng chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, dự kiến áp dụng từ 11/11

07:32 | 09/11/2022
Chia sẻ
Bộ Tài chính thông báo tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Theo đó, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng 290 đồng/lít ; xăng RON95 tăng 560 đồng/lít; dầu diesel tăng 160 đồng/lít; dầu hỏa tăng 660 đồng/lít; dầu madut giữ nguyên.

Ngày 8/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, thời gian dự kiến áp dụng là từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11. 

Tại văn bản này, Bộ Tài chính thông báo tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít (tăng 290 đồng); xăng RON95: 1.280 đồng/lít (tăng 560 đồng); dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít (tăng 160 đồng); dầu hỏa: 1.740 đồng/lít (tăng 660 đồng); dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg (giữ nguyên). 

Trước đó, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam được tăng vào ngày 8/7 và áp dụng từ ngày 11/7 với mức tăng 350 đồng/lít đối với xăng nền phối trộn xăng E5RON92  (tăng 60 đồng); xăng RON 95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); dầu diezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); dầu hỏa lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng). 

Người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng (Ảnh: PLO).

Trước đề xuất tăng chi phí vận chuyển xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết, qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối, xăng premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. 

Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào 10/01/2023. Vì vậy Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/01/2023 theo đúng quy định.  

Liên quan đến chi phí định mức tính giá xăng dầu, trước đó, Petrolimex đã có kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh do mức quy định chênh lệch lớn so với thực tế.

Cục Quản lý giá đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh định mức từ ngày 11/7, tuy nhiên theo Petrolimex  mức này vẫn thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán trong năm 2021 khoảng 184-598 đồng/lít, tương ứng với 13-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu.

Với chi phí premium nhập khẩu với xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON 92, chênh lệch 622 đồng/lít; xăng RON 95 chênh lệch 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300-680 đồng/lít... 

Theo Bộ Tài chính, kết quả tổng hợp của 28 đơn vị gửi báo cáo thực hiện chỉ có 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng năm 2022 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu.

2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm là Tổng công ty Dầu Việt Nam (giảm 6 đồng/lít), Công ty Anh Phát (giảm khoảng 136 đồng/lít).

3 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường là Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P. 

Còn lại 21 đơn vị kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng năm 2022.

Hạ An