|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng tăng mạnh, có nên mua vào?

21:35 | 12/11/2021
Chia sẻ
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước liên tục đi lên, tăng tổng cộng khoảng 2 triệu đồng/lượng, vượt xa mốc 60 triệu đồng/lượng. Không những thế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục ở mức cao. Theo các chuyên gia, với diễn biến trên, mua vàng lúc này rất rủi ro.

Tăng tới 2 triệu đồng mỗi lượng

Ngày 11-11, giá vàng tăng 600.000 - 650.000 đồng/lượng, chạm mốc 60 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại ở đó, ngày 12-11, giá kim loại quý này tiếp tục tăng mạnh. Lúc hơn 15h, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 11-10.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tăng 690.000 đồng/lượng (chiều mua) và 770.000 đồng/lượng (chiều bán), lên mức 60,05 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đáng chú ý, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng tới 800.000 đồng/lượng mỗi chiều, lên mức 60,1 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước liên tục đi lên, “đội” tới khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Điểm đáng chú ý là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức rất cao, lên tới khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã tăng từ mức 1.817 USD/ounce ngày đầu tuần lên mức 1.862 USD/ounce vào ngày 12-11.

Theo đại diện Tập đoàn Phú Quý, giá vàng trong nước tăng mạnh như vậy bởi ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Cùng với đó, nguồn cung trong nước hạn chế cũng tác động đến giá mặt hàng kim loại quý này. Những ngày đầu tuần, giá vàng biến động nên giao dịch trên thị trường khá sôi động.

“Trong số những người đến giao dịch, bên mua nhỉnh hơn bên bán; chủ yếu là người dân mua nhỏ lẻ xuất phát từ nhu cầu thực tế, không xuất hiện tình trạng mua theo tâm lý”, đại diện Tập đoàn Phú Quý thông tin.

Bà Nguyễn Thị Hằng (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trước đây mỗi năm, bà thường mua vài ba chỉ để tích trữ nhưng thời gian qua giá vàng ở mức cao và chênh lệch lớn với giá thế giới nên bà đã chuyển sang kênh đầu tư khác. Ngày 11-11, bà đến mua 3 chỉ vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông để làm quà cưới cô cháu gái. Khi đến nơi, bà mới biết giá vàng tăng mạnh.

Do giá vàng tiếp tục biến động nên ngày 12-11, giao dịch trên thị trường không còn sôi động như trước mà nhà đầu tư chủ yếu nghe ngóng thông tin là chính.

Giá vàng tăng mạnh, có nên mua vào? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: IndiaTV).

Rủi ro lớn nếu mua vào

Lý giải về việc giá vàng thế giới tăng cao, chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, thời gian qua, nhiều nước tung ra gói kích thích kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, lạm phát có xu hướng gia tăng. Nhà đầu tư đã mua vàng nhiều hơn nhằm bảo toàn tài sản.

Chuyên gia này dự báo, đà tăng của giá vàng thế giới vẫn còn tiếp tục và giá kim loại quý này có thể chạm mức 1.900 USD/ounce.

Giá vàng đang tăng mạnh, câu hỏi được đặt ra là có nên mua vàng vào thời điểm này? Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo không nên mua bởi rủi ro rất lớn. Lý do là giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Thực tế, trước đây, giá vàng trong nước cũng cao hơn giá quốc tế nhưng mức chênh lệch chỉ là 2,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nữa là 5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, nhiều tháng qua, chênh lệch giá giữa hai thị trường lên tới 8-9 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên mức 9,5 triệu đồng/lượng. Nếu mua vào, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu giá vàng đảo chiều giảm. Hơn nữa, thời gian qua, neo ở mức cao rồi tăng chứ không tăng từ mức thấp như trước.

“Vì vậy, chỉ mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp, chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho biết, với chủ trương chống vàng hóa trong nhiều năm nay, đặc biệt là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành và đi vào thực tiễn, vàng đã không còn vị thế như trước đây, không còn là phương tiện thanh toán.

Nhu cầu về vàng hiện nay cũng không đến từ việc đầu cơ mà đã trở về nhu cầu thực của người dân, như làm quà tặng hoặc mua lấy may dịp đầu năm. Vì vậy, sự biến động mạnh của giá vàng cũng không còn tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.

Hương Thủy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.