Giá vàng sẽ neo cao cho đến ngày vía Thần Tài, nhưng khó chạm mốc 65 triệu đồng/lượng
Giá vàng tăng kỷ lục trước ngày vía Thần Tài
Giá vàng trong thời gian sát ngày vía Thần Tài liên tục phá đỉnh cũ. Nhiều người quan ngạy rằng giá sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong ngày chính (10/2). Trao đổi với người viết về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết ngay từ cuối năm Tân Sửu, giá vàng đã phá kỷ lục. Đà tăng này sẽ kéo dài cho đến nay, sát ngày vía Thần Tài.
"Thông thường, càng sát ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước càng tăng cao. Nhưng theo dự đoán của tôi, giá vàng vào ngày này sẽ dao động quanh mốc 63 triệu đồng/lượng, khó lên tới 65 triệu đồng", ông Long nói.
Giá vàng SJC đầu sáng nay (8/2) chưa có nhiều biến động lớn sau khi tăng mạnh hôm qua.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/2, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 62,80 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 63,45 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày.
Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 650.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 62,70 – 63,5 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch, giá vàng tại DOJI tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI cũng đang ở mức 800.000 đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng trong nước biến động mạnh nhưng giá vàng thế giới gần như không đổi. Cuối phiên giao dịch ngày 7/2, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 0,2% lên 1.812,4 USD/ounce vào lúc 17h00 (giờ Việt Nam), theo Kitco.
Như vậy, mới đến ngày mùng 7 âm lịch (tức 7/2 Dương lịch) giá vàng SJC đã leo lên mức 63,5 triệu đồng/lượng, tăng 7,5 triệu đồng so với ngày Thần Tài năm Tân Sửu, ở mức 56 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức cao?
Đánh giá về triển vọng vàng năm 2022, Chủ tịch VGTA cho biết hiện một số quốc gia như Trung Quốc và Nga cũng gom vàng, sử dụng vàng như bản vị tiền tệ vì lo ngại đồng USD bị mất giá và những bất ổn chính trị leo thang. Do đó, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao.
"Còn tại Việt Nam, giá vàng năm 2022 cũng có thể chịu tác động bởi dịch bệnh, lạm phát nhưng không quá nhiều. Giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao nhưng khó có đột biến.
Bởi ở Việt Nam, việc mua vàng được coi như một hình thức tích trữ tài sản, của để dành chứ chưa hẳn gọi là đầu tư. So với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, đầu tư vàng có tính cẩn trọng cao và cho tỷ suất lợi nhuận ít hơn", ông Long nói.
Do vậy, số người bỏ tiền ra đầu tư vàng cũng sẽ duy trì như mọi năm, không tăng vọt như chứng khoán năm vừa rồi.
Ông Long cho rằng hiện, có rất nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ "bỏ trứng vào nhiều giỏ", chứ không dồn tiền vào tích trữ tài sản, làm của để dành như vàng như trước kia.
Ở một khía cạnh khác, nếu quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng miếng trong nước đang cao hơn vàng thế giới lên tới gần 14 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch VGTA cũng lý giải cơ chế quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng hoặc tăng nguồn cung vàng SJC cho thị trường. Do đó, giá vàng trong nước thường chênh lệch khá lớn so với thế giới là điều dễ hiểu.
Mặt khác, các ngân hàng chưa cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng nên việc giao dịch vàng ở Việt Nam còn hạn chế, chưa sát với thế giới.
"Muốn thị trường vàng ở Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn, tôi cho rằng Nhà nước cần chấp thuận chủ trương cho thành lập sàn giao dịch vàng để có sự luân chuyển giữa nguồn vàng và nguồn tiền, tiệm cận hơn với thị trường thế giới" Chủ tịch VGTA kiến nghị.