Giá vàng hôm nay 4/3: Biến động trái chiều từ đầu tuần
Giá vàng SJC hôm nay khởi sắc tăng nhẹ đầu tuần
Giá vàng SJC hôm nay (4/3) phục hồi trong ngày đầu tuần mới của tháng 3, tăng khoảng 10.000 - 40.000 đồng/lượng tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 9h15.
Cụ thể, tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC sáng nay tăng mạnh nhất là 40.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá cuối tuần qua.
Cùng mức tăng 40.000 đồng/lượng ở chiều mua vào là giá vàng SJC của chi nhánh PNJ Hà Nội. Trong khi đó, giá ở chiều mua vào của chi nhánh này chỉ tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC ở chiều bán ra có đồng mức tăng với chi nhánh PNJ Hà Nội là 10.000 đồng/lượng nhưng giá ở chiều mua vào tăng đến 30.000 đồng/lượng so với mức giá cuối tuần vừa qua.
Tại chi nhánh PNJ TP HCM, giá mua vào và bán ra của vàng SJC sáng nay không có điều chỉnh tăng giảm. Trong khi đó, tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC lại trái chiều với hầu hết các hệ thống được khảo sát, giảm 20.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC là 36,59 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra là 36,71 triệu đồng/lượng.
Vàng nữ trang SJC các loại, ghi nhận giá cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, vàng 24K điều chỉnh tăng 40.000 đồng/lượng, vàng 18K và vàng 14K tăng lần lượt là 30.000 đồng/lượng và 24.000 đồng/lượng.
|
(Giá vàng tại một số cửa hàng được khảo sát vào lúc 9h15 ngày 4/3. Tổng hợp: Như Huỳnh.)
Theo Doji, ở tuần trước, song hành với đà giảm của giá vàng thế giới, nhu cầu đầu tư trong nước co hẹp dần, xu hướng khách hàng bán ra chiếm ưu thế tại hầu hết các phiên trong tuần và phiên giao dịch cuối tuần cũng không phải ngoại lệ.
Ở phân khúc khác, khách hàng vẫn hướng sự theo dõi đến các kênh thông tin để lựa chọn thời điểm phù hợp tham gia thị trường.
Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới biến động trái chiều
Tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao diễn biến đồng USD, một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến vàng, và trước khi báo cáo việc làm tháng 2/2019 được công bố tại Mỹ, có thể củng cố lập trường "kiên nhẫn" khi ra quyết định nâng lãi suất của Fed.
Thị trường dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 180.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp 3,9%. Số liệu tiền lương thường được theo dõi chặt chẽ khi lạm phát ở mức thấp.
Các số liệu kinh tế khác của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này gồm doanh số bán nhà mới và chỉ số phi sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) trong ngày thứ Ba (5/3), một cập nhật về tình hình tuyển dụng tư nhân và số nhà bắt đầu khởi công trong ngày thứ Sáu (8/3).
Hôm thứ Sáu (1/3), đồng USD chạm đỉnh 10 tuần, nhờ tâm lí thị trường được thúc đẩy bởi triển vọng tích cực tại một số nền kinh tế lớn và tiềm năng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Chỉ số USD – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng 0,35% trong ngày thứ Sáu (1/3), phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần. Tính cả tháng 2/2019, chỉ số này tăng 0,78%.
Chính vì đồng USD mạnh hơn, giá vàng thế giới đã giảm hơn 1% xuống thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Hợp đồng vàng tương lai giảm 1,65% xuống 1.294,45 USD/ounce, lần đầu tiên xuống dưới mốc 1.300 USD/ounce kể từ ngày 25/1. Tính trong tuần trước, giá vàng giảm 2,52%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2018.
Trong số các kim loại khác, giá bạc giảm 2,52% xuống 15,20 USD/ounce sau khi chạm mức 15,14 USD, thấp nhất kể từ ngày 22/1. Kim loại này giảm 4,5% trong tuần trước, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 2/2/2018.