Giá vàng hôm nay 29/6: Hướng tới ghi nhận tháng tốt nhất trong 3 năm trên thị trường quốc tế, giá vàng SJC ổn định
Giá vàng hôm nay ổn định
Giá vàng SJC hôm nay (ngày 29/6) ổn định tại hầu hết các hệ thống của hàng được khảo sát vào lúc 8h45.
Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tập đoàn Doji và cả tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC sáng nay đều không có sự thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Duy nhất Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua.
Tại phiên giao dịch cuối tuần hôm nay, giá trần mua vào của vàng miếng SJC là 38,75 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 39,40 triệu đồng/lượng.
Cùng trạng thái, các loại vàng nữ trang SJC gồm vàng nữ trang SJC loại 24K, vàng nữ trang SJC loại 18K và loại 14K đều không có bất kì sự tăng giảm nào trong sáng nay.
Giá vàng tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h45 (Tổng hợp: Như Huỳnh)
Ảnh: Investing.
Giá vàng phục hồi vì lo ngại trước cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đạt mức 1.408,90 USD/ounce vào lúc 6h10 (giờ Việt Nam); giá vàng giao tháng 8 tăng 0,04% lên 1.412,50 USD/ounce.
Giá vàng đã lấy lại mức tăng vào thứ Sáu (28/6) trong bối cảnh nghi ngờ gia tăng của giới đầu tư về khả năng cuộc họp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Mối lo ngại đã hỗ trợ giá vàng đánh dấu tháng tốt nhất trong 3 năm.
Giá vàng đã tăng gần 8.4% từ đầu tháng đến nay, trên đà đạt mức tăng phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2016.
Kim loại quí cũng trong đà ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ 6 liên tiếp, trong tuần, giá đã tăng 1,1% tính đến cuối phiên giao dịch ngày hôm qua (28/6).
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý không có điều kiện tiên quyết nào cho cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vẫn đang duy trì mối đe dọa áp thuế mới đối với hàng hóa từ quốc gia châu Á.
"Nghi ngại về sự thành công của cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo đã gây áp lực cho tài sản rủi ro; đó là điều tích cực đối với vàng", Peter Fertig, nhà phân tích nghiên cứu hàng hóa định lượng, cho biết.
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 diễn ra vào thứ Sáu và thứ Bảy tuần này (28 - 29/6) tại Osaka, Nhật Bản. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập dự kiến cũng được tổ chức vào hôm nay (29/6).
Căng thẳng thương mại đè nặng lên thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự hấp dẫn của tài sản an toàn như vàng.
Chỉ số USD giảm 0,1% sau khi đạt gần mức cao nhất trong một tuần trong phiên trước đó, khiến vàng trở nên rẻ hơn cho người mua kim loại quí bằng các loại tiền tệ khác.
"Có rất nhiều tín hiệu từ Ủy ban Thị trường mở Liên bang về việc giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Lợi suất thực của trái phiếu chính phủ đã giảm, điều này có tác động tích cực đối với kim loại quí, thêm vào đó là đồng USD đang suy yếu. Triển vọng của vàng có vẻ khả quan với các nền tảng như vậy", ông Fertig nhận định.
Giá vàng đã tăng hơn 80 USD trong hai tuần qua, chủ yếu dựa trên kì vọng rằng Fed sẽ giảm lãi suất ít nhất 0,25% điểm trong tháng 7.
"Lãi suất suy giảm là một yếu tố chính hỗ trợ cho vàng, đặc biệt khi Fed chuyển sang lập trường ôn hòa hơn", giới phân tích của UBS cho biết trong một lưu ý, đồng thời nâng mục tiêu giá vàng trong 3 tháng của họ lên 1.430 USD từ mức thấp 1.380 USD.
Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ tại SPDR Gold Trust, quĩ ETF lớn nhất thế giới, đã giảm 0,3% xuống 795,80 tấn vào thứ Năm (27/6) so với hôm trước đó. Tuy nhiên, lượng lưu trữ vẫn tăng hơn 7% trong tháng này.
Giá bạc giảm nhẹ 0,2% xuống còn 15,22 USD/ounce, nhưng đang trên đà tăng đầu tiên trong năm tháng.
Giá palladium giảm 0,7% xuống còn 1.537,20 USD/ounce. Tuy nhiên, kim loại xúc tácđã tăng hơn 16% từ đầu tháng đến nay, mức tăng phần trăm lớn nhất hàng tháng kể từ tháng 11/2016.
Giá bạch kim đã tăng 0,6% lên mức 816,24 USD, theo Reuters.