Giá vàng hôm nay 26/3: Giảm trở lại trong tuần qua
Diễn biến giá vàng 7 ngày qua
Xem thêm: Giá vàng hôm nay 27/3
Đầu tuần, giá vàng trong nước điều chỉnh giảm 150.000 - 400.000 đồng/lượng tại hầu hết cửa hàng được khảo sát.
Trong đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh hai miền Bắc và Nam báo mức giảm mạnh nhất, 200.000 đồng ở chiều mua vào và 400.000 đồng ở chiều bán ra.
Theo sau là Tập đoàn Phú Quý với mức giảm 150.000 đồng ở chiều mua vào và 350.000 đồng ở chiều bán ra. Trong khi Tập đoàn Doji điều chỉnh giá vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng ở chiều bán ra.
Hệ thống PNJ là nơi duy nhất giữ giá ổn định.
Thị trường tăng trở lại 100.000 - 250.000 đồng/lượng trong phiên ngày hôm sau, với mức tăng phổ biến là 100.000 - 200.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá tiếp tục điều chỉnh trong phiên ngày 22/3. Cụ thể, hệ thống PNJ điều chỉnh giảm sâu nhất, 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán.
Tập đoàn Phú Quý hạ giá vàng SJC 350.000 đồng, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh hai miền Bắc và Nam giảm 300.000 đồng/lượng và Tập đoàn Doji giảm 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Giá phục hồi phổ biến 10.000 - 200.000 đồng/lượng trong hai ngày tiếp theo trước khi kết thúc tuần với mức giảm nhẹ 50.000 - 150.000 đồng ở tất cả cửa hàng được khảo sát.
Tính chung tuần, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 150.000 - 450.000 đồng/lượng.
Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 66,6 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC ở mốc 67,32 triệu đồng/lượng.
Các loại vàng nữ trang khác cũng giảm trong sáng cuối tuần. Theo đó, giá vàng 24K giảm 150.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 120.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 90.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ 0,5%
Giá vàng đã giảm từ mức cao nhất một năm trong phiên giao dịch đầy biến động của đầu tuần, vì thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu bật tăng sau những nỗ lực của các ngân hàng trung ương để vực dậy niềm tin đối với ngành tài chính.
Đầu phiên, giá kim loại quý đã tăng 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 ở 2.000,59 USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục xác lập trong đợt bùng phát dịch COVID-19.
Vàng giảm thêm khoảng 2% trong phiên hôm sau vì lợi suất trái phiếu bật tăng và lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng suy yếu, thúc đẩy một số nhà đầu tư thận trọng trở lại với tài sản rủi ro hơn. Trong khi đó, thị trường chờ đợi quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kim loại quý chạm mức 2.009,59 USD/ounce trong phiên 20/3, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, nhưng đã giảm kể từ đó.
Thị trường phục hồi, giá tăng vọt trong phiên 22/3 sau khi Fed đưa ra lập trường ôn hoà hơn trong việc kiềm chế lạm phát như dự đoán, và chỉ ra rằng chính sách nâng lãi suất sắp kết thúc. Trước đó, giá vàng tăng tới 2%.
Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nhưng cho biết họ sắp ngừng tăng chi phí đi vay trong bối cảnh bất ổn gần đây trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên,trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương không dự đoán việc giảm lãi suất sẽ diễn ra vào năm 2023.
Giá vàng tăng mạnh hơn 1% phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 23/3 nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sau khi Fed phát đi tín hiệu về khả năng dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Dù vậy, giá vàng vẫn kết thúc tuần bằng một phiên giảm vì đồng USD tăng trở lại dù đầu phiên có thời điểm giá lên tới 2.002,89 USD.
Như vậy, giá vàng đã giảm nhẹ 0,5% trong tuần qua.
Hiện, giá vàng giao ngay báo ở mức 1.978,2 USD/ounce, theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 4 đạt 1.981 USD.