Giá vàng hôm nay 16/8: Tăng trong khoảng 150.000 – 400.000 đồng/lượng vào đầu phiên
Giá vàng hôm nay tăng lại vào đầu phiên
Giá vàng SJC hôm nay (ngày 16/8) tăng trở lại vào đầu phiên với mức tăng trong khoảng 150.000 – 400.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h45.
Trong đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC tăng lần lượt 230.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng theo chiều mua, còn chiều bán tăng 180.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.
Còn tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC điều chỉnh tăng đến 400.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng theo hai chiều mua – bán so với giá chốt phiên chiều qua.
Tại phiên giao dịch sáng nay, giá trần mua vào của vàng miếng SJC là 41,8 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 42,25 triệu đồng/lượng.
Cùng trạng thái, vàng nữ trang SJC cũng tăng trở lại vào đầu phiên. Cụ thể, vàng nữ trang SJC loại 24K tăng 100.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K tăng 75.000 đồng/lượng và loại 14K tăng 59.000 đồng/lượng theo hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h45. (Tổng hợp: Như Huỳnh).
Ảnh: CNBC
Giá vàng giữ bình ổn ở mức cao trên 1.500 USD
Giá vàng giao ngay giảm 0,07% xuống 1.521,80 USD/ounce theo Kitco; giá vàng giao tháng 8 tăng 0,01% lên 1.532,75 USD, ghi nhận vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam).
Thứ Năm (15/8), giá vàng đã tăng trở lại khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự không rõ ràng trên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc giữ cho kim loại quí giữ trên mức 1.500 USD/ounce.
Tuy nhiên, mức tăng của vàng đã bị hạn chế khi các nhà đầu tư có được dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Mỹ, khi doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ hỗ trợ nhu cầu rủi ro phục hồi.
Thứ Ba (13/8), giá vàng đã tăng 11 USD và ghi nhận mức cao nhất trong 6 năm ở mức 1.523,91 USD/ounce, sau đó tiếp tục tăng 1% vào thứ Tư (14/8) do lo ngại về suy thoái kinh tế khi các nhà đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại, bất ổn ở Hong Kong và sự yếu kém ở các thị trường mới nổi.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho biết với dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ đang tăng mạnh, một số người tham gia thị trường cũng suy nghĩ lại về các mức cược của họ.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm với tài sản trú ẩn an toàn như vàng được thúc đẩy bởi các yếu tố như tình trạng bất ổn ở Hong Kng và lo ngại về một khoản nợ mặc định của Argentina có khả năng kéo dài trong nhiều ngày, ông Ghali nói thêm.
Chứng khoán Mỹ tăng cao hơn do doanh số bán lẻ tăng vào tháng 7 đã xoa dịu thị trường trước sự đảo ngược của đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ, vốn được coi là một tín hiệu đáng tin cậy về suy thoái sắp tới.
Mặt khác, sản lượng sản xuất của Mỹ đã kết thúc một đợt tăng trưởng hai tháng vào tháng 7, trong khi dữ liệu thất nghiệp hàng tuần ban đầu yếu hơn dự kiến.
Được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong thời kì bất ổn chính trị và kinh tế, giá vàng đã tăng hơn 100 USD/ounce kể từ đầu tháng 8/2019.
"Mặc dù giá vàng trông có vẻ như đã tăng quá mức, nhưng lịch sử cho thấy không nên đặt cược rằng đà tăng sẽ bị hạn chế", ông Ghali đưa ra quan điểm.
Các nhà đầu tư cũng đang tiếp nhận các tín hiệu đa chiều trên mặt trận thương mại.
Bộ tài chính Trung Quốc ban đầu cho biết sẽ có biện pháp đối phó với thuế quan mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng sau đó đã tuyên bố riêng rằng Bắc Kinh hi vọng Mỹ sẽ gặp Trung Quốc một lần nữa để có sự đồng thuận.
"Nhìn chung, bất ổn trong tranh chấp thương mại hiện rất cao và chúng tôi cũng hi vọng một số hành động từ ngân hàng trung ương để chống suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trong những tuần và tháng tới", Norbert Ruecker, Giám đốc kinh tế và nghiên cứu thế hệ mới tại Julius Baer cho biết.
Trên thị trường các kim loại quí khác, giá bạc đã tăng 0,1% lên mức 17,23 USD/ounce.
Giá bạch kim đã giảm 0,2% xuống 838,78 USD/ounce và giá palladium tăng 1,6% lên 1.446,72 USD/ounce.
Xem thêm: Tỷ giá USD hôm nay 16/8