Giá vàng cao kỷ lục khiến thị trường bớt kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất
Theo Market Watch, giá vàng đã tăng lên ngưỡng kỷ lục. Và với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, hàng rào chống lạm phát, diễn biến giá vàng trong thời gian qua có thể sẽ hàm chứa dấu hiệu về những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm chế ngự lạm phát.
Ông Edmund Moy, chiến lược gia cấp cao của IRA và đồng thời là cựu Giám đốc Cơ quan In tiền thuộc Kho bạc Mỹ, cho biết nếu vàng được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát thì mức tăng kỷ lục của mặt hàng này thời gian qua cho thấy nhà đầu tư bớt kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm giảm lãi suất.
Giá vàng giao sau đạt ngưỡng kỷ lục 2.225 USD/ounce vào hôm 21/3, phá vỡ mức đỉnh được thiết lập trước đó hôm 11/3 là 2.188 USD/ounce.
Ông Peter Spina, chủ tịch của sàn giao dịch GoldSeek.com, cho biết giá kim loại quý này đã tăng để ứng phó với áp lực lạm phát ngày càng lớn.
“Chúng ta dường như đang quay trở lại với làn sóng lạm phát”, ông nhận định.
Giá của nhiều loại hàng hóa cũng đang tăng lên, với chỉ số S&P GSCI đã tăng gần 8% từ đầu năm đến nay. S&P GSCI được xem chỉ chỉ số chuẩn mực cho đầu tư vào thị trường hàng hóa.
Giá dầu thô gần đây đã leo lên mức cao nhất trong 5 tháng. Giá cacao kỳ hạn cũng đạt ngưỡng kỷ lục, dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng socola tiềm tàng.
Ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại US Bank Asset Management, cho biết sức mạnh gần đây của giá hàng hóa có thể cho thấy khả năng lạm phát có thể tăng trở lại, hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư có thể đang tìm đến vàng để đa dạng hoá danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro, thay vì chỉ tập trung vào thị trường chứng khoán. Hiện tại các chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 đã gần mức cao nhất mọi thời đại.
Ồng Haworth cho biết , trong khi áp lực lạm phát có vẻ “hơi khó chịu” với sự tăng giá gần đây của các mặt hàng như xăng , dầu và đồng, thì nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng đáng kể.
Tuy nhiên, ông Spina cho rằng vàng đang đã “đánh hơi” được sự gia tăng của hàng hóa và “những dấu hiệu cảnh báo đang nhấp nháy” của lạm phát và các nhà đầu tư nên chú ý.
Phát ngôn của Fed hôm 20/3 là tác nhân gần đây nhất khiến giá vàng tăng .
Ông George Milling-Stanley, Chiến lược gia trưởng phụ trách mảng vàng của công ty tài chính State Street Global Advisors (SSGA), cho biết: Một trong những thông điệp rõ ràng nhất từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang tuần này là lạm phát lõi vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đã đưa ra.
Ông cho biết con số gần đây nhất là 2,8% và tuần này Fed đã tăng lãi suất dự kiến vào cuối năm nay lên 2,6% từ 2,4%. Điều đó có nghĩa là lạm phát theo quan điểm của Fed “vẫn còn quá cao”.
Ông Milling-Stanley cho biết Fed cũng giảm số lần cắt giảm lãi suất dự báo cho năm 2025 xuống còn 3 từ 4. “Đó chính xác là tình huống mà tôi mong đợi thị trường vàng sẽ hoạt động mạnh mẽ”, ông nói.
Theo ông, Fed đang rơi vào tình thế khó khăn: “Họ không muốn giữ lãi suất ở mức cao quá lâu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và thị trường lao động”. Tuy nhiên, “tương tự, họ cũng không muốn nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm trong khi lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu”.
Mức lạm phát hiện tại vẫn đang hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, mặc dù việc phòng ngừa lạm phát là một lý do để sở hữu kim loại này, nhưng đó không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến giá vàng. Các chuyên gia cho biết nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc còn là một lý do chính đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian qua.
Ông Spina cho biết nhu cầu không chỉ đến từ ngân hàng trung ương Trung Quốc mà còn đến từ người dân nước này.
Ngoài ra, trong số các yếu tố ảnh hưởng đến vàng, còn có sự bất ổn đến từ địa chính trị như căng thẳng Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas,…